Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào hôm 30/9 vừa qua nói với phóng viên rằng Mỹ xem vụ phá hoại các đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) như một "cơ hội vô cùng lớn" để các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) xóa bỏ năng lượng của Nga.
Xem tổn thất của châu Âu như cơ hội
Ngoại trưởng Biden cho biết, khi mùa đông đến gần, Mỹ muốn khối EU sử dụng ít nhiên liệu hơn.
Trong nhiều năm, Washington cố gắng thuyết phục giới lãnh đạo EU đổi khí đốt Nga lấy khí hóa lỏng của Mỹ.
Phát biểu với báo giới ở Washington, ông Blinken khoe rằng Mỹ hiện nay là "nhà cung cấp khí hóa lỏng hàng đầu cho châu Âu".
Ngoài việc cung cấp nhiêu liệu cho châu Âu, Ngoại trưởng Blinken nói, Mỹ còn làm việc với giới chức EU để tìm ra cách thức "giảm cầu" và "thúc đẩy việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Đây là cơ hội cực lớn để loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga và lấy đi của ông Putin khả năng vũ khí hóa năng lượng dùng làm công cụ thúc đẩy các mục tiêu chính trị của ông ấy".
Mỹ được cho là hưởng lợi lớn nhất từ sự hư hại của các đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2. Hư hại do một loạt vụ nổ ngoài khơi đảo Bornholm (Đan Mạch) vào đầu tuần vừa qua.
Vào ngày 30/9, tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nga Gazprom tuyên bố: Mức độ nghiêm trọng của hư hại xảy ra với các đường ống đi ngầm dưới biển đồng nghĩa với việc khối EU "bị tước bỏ vô thời hạn" khí đốt Nga đi qua tuyến này.
Về phần mình, trong một bài phát biểu vào hôm 30/9, Tổng thống Nga Putin quy trách nhiệm về các vụ nổ trên hệ thống đường ống khí đốt cho liên minh Mỹ - Anh. Ông Putin khẳng định như sau: "Mọi người ai cũng rõ người hưởng lợi từ sự cố này. Ai hưởng lợi thì chính người đó gây ra sự cố này".
Cả Mỹ và EU đều còn rất nhiều việc phải làm
Hiện nay Mỹ đã được dọn đường để bán thêm khí hóa lỏng giá cao cho châu Âu. Tuy nhiên, việc sụt giảm khí đốt không thể khắc phục trong chốc lát. Bản thân các nhà xuất khẩu Mỹ đã cảnh báo trong suốt mùa hè vừa qua là họ sẽ không đủ khả năng xuất đủ khí đốt đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Hiện nhiều ga nhập khẩu khí đốt của châu Âu vẫn đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Trong lúc đó, giá năng lượng tăng chóng mặt trên khắp châu Âu. Đức đang đối mặt với triển vọng u ám "phi công nghiệp hóa". Tại quốc gia này, người biểu tình đã xuống đường để yêu cầu mở lại đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc ngay trước khi xảy ra các vụ nổ gây rò rỉ. Người ta cũng dự báo tình trạng thiếu lương thực ở Đức. Ngoài ra, người dân châu Âu đang rất cần củi để sưởi ấm nhà trong mùa đông.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken thừa nhận: "Có nhiều việc vất vả phải làm để bảo đảm rằng các nước và các đối tác qua được mùa đông".
Phủ nhận yếu tố Mỹ trong vụ rò rỉ
Trong khi ấy, trước đó, vào ngày 27/9, chính Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói rằng các sự cố rò rỉ bí hiểm trên hệ thống ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc "không mang lại lợi ích cho bất cứ ai".
Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các đối tác châu Âu thực hiện vụ điều tra về nguyên nhân rò rỉ đường ống khí đốt.
Các bức ảnh do quân đội Đan Mạch chụp cho thấy những khối bong bóng lớn sủi lên bề mặt biển Baltic, còn viện địa chấn học của Thụy Điển ghi nhận các vụ nổ dưới mặt biển.
Cả Nga và Tây Âu đều quan ngại về các vụ rò rỉ mới đây khiến khí đốt trồi lên mặt biển. Sự cố xảy ra trong bối cảnh Nga cắt giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu sau khi phương Tây áp các trừng phạt lên Nga để phản đối việc Nga đưa quân vào Ukraine.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Blinken vẫn vào hôm 27/9 nói rằng: "Theo như tôi được hiểu, các vụ rò rỉ đó sẽ không có tác động đáng kể nào lên sự dẻo dai năng lượng của châu Âu". Ông Blinken tái khẳng định Washington đang nỗ lực giải quyết vấn đề an ninh năng lượng cho châu Âu trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhà ngoại giao Mỹ nhắc lại việc Mỹ nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu khí hóa lỏng sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, còn các đồng minh của Mỹ, nhất là Đức, cố gắng giảm sự phụ thuộc của mình vào năng lượng Nga.
Bình luận