• Zalo

Mỹ có nguy cơ thua toàn diện trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc?

Thế giớiThứ Tư, 08/08/2018 12:55:00 +07:00Google News

Dù khẳng định chiến tranh thương mại “rất dễ để thắng” nhưng Mỹ vẫn có nguy cơ thua toàn diện Trung Quốc trong cuộc chiến này, theo chuyên gia kinh tế của Project Syndicate nhận định.

Cuộc đụng độ thương mại ban đầu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên thép và nhôm đã nhanh chóng trở thành một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu thỏa thuận tạm ngừng áp đặt thuế giữa châu Âu và Mỹ được duy trì, Mỹ sẽ chủ yếu chỉ phải đối đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến này. 

Dù vậy, Mỹ đang phải đối mặt với những vấn đề lớn và có nguy cơ thua Trung Quốc toàn diện trong cuộc chiến thương mại, chuyên gia kinh tế Joseph E. Stiglitz viết trên Project Syndicate.

my-se-thua-cuoc-chien-thuong-mai-voi-trung-quoc

Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tung ra những đòn mạnh giáng vào nền kinh tế đối phương. (Ảnh: Tehran Times)

Trọng tâm chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại được cho là nhằm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc đầu tư trong nước của Mỹ tiếp tục vượt quá mức tiết kiệm, Mỹ sẽ phải nhập khẩu vốn và thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ lớn. Tệ hơn nữa, do việc cắt giảm thuế được ban hành vào cuối năm 2017, thâm hụt ngân sách của Mỹ đang đạt kỷ lục, dự kiến sẽ ​​vượt 1 nghìn tỷ đô la vào năm 2020. 

Điều này có nghĩa là thâm hụt thương mại của Mỹ chắc chắn sẽ tăng dù kết quả xung đột với Trung Quốc có như thế nào, chuyên gia cho biết.

Chuyên gia Stiglitz đánh giá kết quả tốt nhất có thể đối với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của chính quyền Tổng thống Trump sẽ là cải thiện thế cân bằng song phương, bù lại thâm hụt thương mại với Trung Quốc bằng các hoạt động thương mại với một hoặc nhiều nước khác.

Ví dụ, như bán nhiều khí tự nhiên cho Trung Quốc hơn thì bán ít khí tự nhiên cho các nước khác hơn, mua ít máy giặt của Trung Quốc hơn thì mua nhiều máy giặt từ các nước khác không chịu ảnh hưởng hơn và ngược lại. Nhưng vì Mỹ đã gây cản trở cho thị trường nên có khả năng nước này sẽ phải chi phí nhiều hơn cho nhập khẩu và nhận dược ít hơn từ xuất khẩu, hay nói cách khác kết quả sẽ không được cải thiện.

Theo chuyên gia, vấn đề của Mỹ không nằm ở Trung Quốc mà là ở chính nước này, khi Mỹ đang tiết kiệm quá ít. Joseph E. Stiglitz cho rằng nếu Tổng thống Donald Trump tăng cường tiết kiệm ngân sách quốc gia thì điều đó đã giúp giảm thâm hụt thương mại đa phương.

photo1531051062151-1531051062152995946277 3

Mỹ cũng có nguy cơ thua trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi không có được sự ủng hộ của phần lớn người dân. (Ảnh minh họa)

Để cải thiện thâm hụt tạm thời, Mỹ có thể khiến Trung Quốc mua thêm dầu rồi bán cho nước khác. Nhưng điều này sẽ không mang đến nhiều khác biệt bên cạnh làm tăng chi phí giao dịch. Còn muốn giảm thâm hụt thương mại thực sự sẽ gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, khi nhu cầu hàng Trung Quốc giảm, tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ yếu đi dù không có sự can thiệp của chính phủ. Điều này sẽ phần nào làm giảm tác động của các chương trình thuế Mỹ, cùng lúc tăng khả năng cạnh tranh của Trung Quốc so với các nước khác. Nếu Trung Quốc can thiệp tích cực hơn và đáp trả Mỹ hung hăng hơn, việc cải thiện cân bằng thương mại Mỹ - Trung sẽ còn khó hơn nữa.

Thứ hai, Trung Quốc có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với nền kinh tế của mình và đã luôn muốn chuyển dịch sang mô hình chủ yếu dựa vào nhu cầu trong nước hơn là đầu tư và xuất khẩu. Động thái của Mỹ lại đến khi Trung Quốc cố gắng kiểm soát dư thừa trong một vài lĩnh vực. Nói cách khác, Mỹ vô tình giúp Trung Quốc làm những gì họ đang cố gắng làm và hành động của Tổng thống Trump sẽ chỉ khiến các lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm đổi mới và phát triển công nghệ mạnh mẽ hơn khi nhận ra họ không thể dựa vào người khác.

Mỹ cũng có nguy cơ thua trong cuộc chiến thương mại khi không có được sự ủng hộ của phần lớn người dân. Theo Joseph E. Stiglitz, sự ủng hộ sẽ càng mờ nhạt khi người Mỹ nhận ra họ sẽ mất những gì: công việc, các biện pháp đáp trả của Trung Quốc khiến hàng Mỹ xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn và giá hàng hóa họ mua cũng sẽ tăng. Điều này còn có thể khiến tỷ giá đồng USD sụt giảm, tăng lạm phát, ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất dẫn đến đầu tư và phát triển giảm.

Joseph E. Stiglitz, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2001 và huân chương John Bates Clark năm 1979, là giáo sư tại Đại học Columbia, đồng chủ tịch Nhóm Chuyên gia Cấp cao về Đánh giá Tình hình Kinh tế và Tiến bộ Xã hội của OECD, và là kinh tế trưởng của Viện Roosevelt.

Video: Bát Tràng lao đao vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn