Hôm 3/6, chính quyền Biden công bố kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vaccine COVID-19 đầu tiên ra nước ngoài. Từ nay đến cuối tháng 6, Mỹ sẽ phân phối tổng thể 80 triệu liều vaccine ra toàn thế giới.
Nhà Trắng cho biết ít nhất 75% trong số 25 triệu liều vaccine (tương ứng với khoảng 19 triệu liều) sẽ được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX, và 25% sẽ được chia sẻ trực tiếp cho các quốc gia có nhu cầu.
Trong số 80 triệu liều vaccine mà Mỹ phân phối ra toàn cầu, khoảng 7 triệu liều vaccine cho châu Á sẽ được phân bố cho các quốc gia và vùng lãnh thổ sau: Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, và các đảo Thái Bình Dương.
Mỹ sẽ cung cấp khoảng 5 triệu liều vaccine được gửi cho châu Phi, phân bổ dựa trên phối hợp với Liên minh châu Phi và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi. Khoảng 6 triệu liều được gửi đến châu Mỹ Latinh và Caribbean.
Số liệu còn lại, hơn 6 triệu, sẽ được chia sẻ trực tiếp cho các quốc gia đang gặp khủng hoảng, cũng như các đối tác và láng giềng, trong đó có Canada, Mexico, Ấn Độ và Hàn Quốc.
"Chúng tôi chia sẻ những liều vaccine này không phải để đảm bảo sự ưu ái. Sự chia sẻ này nhằm cứu sống và dẫn dắt thế giới trong nỗ lực chấm dứt đại dịch, bằng sức mạnh và giá trị của chúng tôi", Tổng thống Joe Biden cho biết.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tập trung vào việc phân phối vaccine COVID-19 một cách công bằng và không ràng buộc chính trị vào quá trình này.
Theo Tổng thống Joe Biden, vaccine Mỹ phân phối cho thế giới sẽ gồm 20 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson, 60 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Chính quyền Biden đã phải chịu áp lực chia sẻ vaccine để giúp ngăn chặn sự bùng phát tại dịch từ các quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Brazil - nơi các chuyên gia y tế lo ngại các biến thể virus SARS-CoV-2 mới dễ lây lan hơn, có thể làm giảm tác dụng của các vaccine hiện có.
Bình luận