"Việc Nga từ chối tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh tra ngăn cản Mỹ thực hiện quyền quan trọng theo hiệp ước và đe dọa khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga", Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Theo vị này, Washington vẫn sẵn sàng hợp tác với Moskva để thực hiện đầy đủ hiệp ước. "Hiệp ước New START vẫn nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm.
Lãnh đạo các ủy ban an ninh quốc gia tại Thượng viện Mỹ, - cơ quan thông qua các hiệp ước, cho biết việc Moskva không tuân thủ sẽ ảnh hưởng đến các hiệp ước vũ khí trong tương lai.
"Việc Nga tuân thủ các nghĩa vụ của hiệp ước New START có ý nghĩa quan trọng để Thượng viện Mỹ xem xét hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược trong tương lai với Moskva", ba Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ gồm Bob Menendez, Jack Reed và Mark Warner cho biết trong một tuyên bố.
Hồi tháng 11/2022, điện Kremlin hủy bỏ các cuộc đàm phán về New START dự kiến diễn ra ở Cairo. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định không có khả năng nối lại đàm phán trong khi Mỹ đang tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.
Hôm 30/1, Nga cho biết hiệp ước có thể hết hạn vào năm 2026 mà không có hiệp ước thay thế, nhấn mạnh Washington đang cố gắng gây ra "thất bại chiến lược" cho Moskva ở Ukraine.
Khi được hỏi liệu về khả năng không có hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân sau năm 2026, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói: "Đây là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra".
Mỹ đã cung cấp hơn 27 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bao gồm hơn 1.600 hệ thống tên lửa phòng không Stinger, 8.500 hệ thống tên lửa chống tăng Javelin và 1 triệu viên đạn pháo 155mm.
Hiệp ước New START có hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai.
Bình luận