• Zalo

Bộ Ngoại giao Nga: Mỹ né tránh đàm phán New START

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 21/10/2022 09:33:36 +07:00Google News
(VTC News) -

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva không nhận được thông tin về đàm phán hiệp ước New START.

Tại cuộc họp báo hôm 20/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng tuyên bố của Mỹ về việc Washington sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Moskva về thỏa thuận thay thế hiệp ước New START chỉ nhằm mục đích khuấy động tuyên truyền, Nga không nhận được liên lạc về việc này.

"Mỹ không có lời kêu gọi thực chất, thông qua các kênh làm việc. Tất cả chỉ dừng lại ở phương tiện truyền thông. Chúng tôi hiểu rằng điều này nhằm vào mục đích tuyên truyền", phát ngôn viên Maria Zakharova nói.

Bộ Ngoại giao Nga: Mỹ né tránh đàm phán New START - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Ảnh: TASS)

Bà Zakharova nhấn mạnh, về nguyên tắc, Moskva vẫn cởi mở đối thoại với Washington về giảm leo thang, duy trì ổn định chiến lược và các biện pháp giảm thiểu rủi ro, trong đó có cả việc sử dụng các phương pháp tiếp cận kiểm soát vũ khí. Theo bà, cuộc đối thoại này chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lợi ích của Nga.

Trước đó, Mallory Stewart, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát và tuân thủ vũ khí (AVC), tuyên bố Mỹ sẵn sàng nối lại đàm phán với Nga về thỏa thuận thay thế New START.

Hiệp ước giữa Mỹ và Liên bang Nga về các biện pháp cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (New START) được ký kết vào năm 2010 và có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Tháng 2/2021, Moksva và Washington đã gia hạn hiệp ước trong thời hạn tối đa 5 năm. 

New START là hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân quan trọng, trong đó đặt giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai, cũng như các phương tiện vận chuyển chúng.

Thỏa thuận giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà Mỹ và Nga có thể sở hữu là 1.550 đầu đạn mỗi bên. Các bên triển khai không quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân. Tổng số phương tiện vận chuyển hạt nhân chiến lược không được vượt quá 800.

Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất giữa hai cường quốc hạt nhân kể từ khi Mỹ rút khỏi hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.

Kông Anh(Nguồn: TASS)
Bình luận
vtcnews.vn