"Chúng tôi nhận thức rõ về các hành động quân sự hóa tại Biển Đông của Trung Quốc. Sẽ có những hậu quả dài hạn và ngắn hạn", Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh trong buổi họp báo hôm 3/5 khi được hỏi về phản ứng của Mỹ liên quan tới thông tin Bắc Kinh triển khai tên lửa ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lầu Năm Góc sau khi nói "không bình luận về các vấn đề xuất phát từ tin tình báo" trước thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình chống hạm và đất đối không tới quần đảo Trường Sa được CNBC đăng tải hôm 3/5 mới đây cũng đã đưa ra tuyên bố cứng rắn.
"Chúng tôi bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh đang quân sự hoá các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép. Trung Quốc phải nhận ra rằng họ đang bành trướng và đe doạ an ninh hàng hải trong khu vực Biển Đông. Hải quân Mỹ đã và đang làm mọi thứ để bảo đảm điều đó không được tiếp diễn", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Dana White cho hay.
CNBC hôm 3/5 dẫn nguồn tin thân cận với tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã âm thầm triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và đất đối không tới các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
CNBC khẳng định các hoạt động này đã được phía Trung Quốc bắt đầu triển khai từ cách đây 30 ngày.
Các tên lửa lắp đặt tới khu vực này lần lượt là tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 có khả năng tấn công các tàu trên mặt nước trong phạm vi 546 km và tên lửa đất đối không HQ-9B có thể nhắm tới các mục tiêu là máy bay quân sự, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 296 km.
Video: Cận cảnh siêu tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông
Thông tin này nếu được xác nhận sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tên lửa tới quần đảo Trường Sa.
Nhận định về động thái mới này của Bắc Kinh, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ) Harry J.Kazianis cho rằng: "Vấn đề nan giải lớn nhất nằm ở chỗ theo thời gian Bắc Kinh có thể triển khai nhiều tên lửa hơn so với nền tảng hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington. Điều này sẽ mang đến rất nhiều rắc rối cho Hải quân Mỹ".
Trong khi đó, một quan chức Quốc phòng Mỹ nhận định rằng việc triển khai tên lửa là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sớm đưa chiến cơ tới khu vực này.
"Điều này nên được nhìn nhận như việc Trung Quốc đang vượt qua một ngưỡng quan trọng. Hệ thống tên lửa nếu được triển khai đầy đủ sẽ trở thành một mối đe dọa tấn công rõ ràng với tất cả các bên tuyên bố lãnh thổ trong vùng biển tranh chấp", Greg Poling, chuyên gia Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế của Washington nhận định.
Bình luận