10 năm sau khi tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama bin Laden, lực lượng đặc nhiệm (SEAL) của Hải quân Mỹ đang trải qua một quá trình chuyển đổi lớn để nâng cao năng lực lãnh đạo và tăng cường khả năng thực hiện các nhiệm vụ nhằm chống lại mối đe dọa từ các đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Đối phó mối đe dọa toàn cầu
Trong cuộc phỏng vấn với AP, Chuẩn đô đốc Hugh Wyman Howard, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt của Hải quân Mỹ, trình bày kế hoạch cải tổ lực lượng này.
Theo kế hoạch mới, SEAL bị cắt giảm 30% số trung đội đặc nhiệm và gia tăng quy mô các đơn vị được cải tổ nhằm nâng cao năng lực sát thương, có thể đối phó với những đối thủ tinh vi trên và dưới mặt biển.
Bên cạnh đó, lực lượng này cũng thực hiện một quá trình sàng lọc chuyên sâu để tập huấn và bồi dưỡng các thành viên ưu tú, nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo có chất lượng cao sau các vụ bê bối làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của SEAL.
Ông Wyman Howard cho biết thêm, trong hai thập kỷ qua, lực lượng đặc nhiệm SEAL chủ yếu tập trung vào các chiến dịch chống khủng bố, chiến đấu với phiến quân trên các sa mạc ở Iraq và vùng đồi núi tại Afghanistan. Tuy nhiên, ưu tiên chiến lược của họ giờ đây đã thay đổi và họ sẽ chú trọng tới tác chiến trên biển.
Theo Defense News, có nhiều dấu hiệu cho thấy, SEAL đang đặc biệt chú ý đến các môi trường tương tự như ở Biển Đông. Tờ Honolulu Star Advertiser dẫn một số nguồn tin cho biết, binh sỹ SEAL đang tìm cách tăng gấp 3 thời gian huấn luyện ở quần đảo Hawaii, trải rộng từ đảo Oahu và Hawaii đến các đảo Kauai, Maui, Molokai và Lanai.
Chương trình đào tạo bao gồm việc sử dụng máy bay không người lái, máy bay vận tải quân sự C-17, máy bay trực thăng, máy bay cánh quạt nghiêng MV-22 Osprey và cường kích AC-130. Số lượng các hoạt động đào tạo trên các đảo này dự kiến tăng từ 110 lên đến 330 hoạt động mỗi năm.
Quyết định cải tổ nói trên phản ánh chiến lược rộng lớn hơn của Lầu Năm Góc nhằm ưu tiến đối phó với Nga và Trung Quốc – hai quốc gia đang nhanh chóng phát triển các lực lượng quân đội và nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ tin rằng, hai thập kỷ chiến đấu chống các nhóm phiến quân và các phần tử cực đoan đã rút cạn các nguồn lực, khiến Mỹ mất đi lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố cũng mang lại nhiều lợi ích, cho phép các thành viên của SEAL trau dồi kỹ năng trong phát triển mạng lưới tình báo, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu, ông Wyman Howard đánh giá.
“Nhiều kỹ năng trong số này có thể được áp dụng trên các mặt trận mới. Điều cần thiết hiện nay là chúng ta phải tạo ra áp lực cho chính mình để hành động chống lại mối đe dọa từ những đối thủ ngang hàng”.
Chuẩn đô đốc Wyman Howard đang xem xét bổ sung nhân sự cho các trung đội SEAL để tăng cường năng lực tác chiến trong không gian mạng, tác chiến điện tử, vận hành các hệ thống không người lái, củng cố kỹ năng thu thập thông tin tình báo, đánh lừa và đánh bại kẻ thù.
Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc Mike Gilday cho biết thêm, mục tiêu đặt ra của chuyển đổi chiến lược là khiến lực lượng SEAL tham gia nhiều hơn vào các nhiệm vụ của hải quân ở trên biển.
“Khi các lực lượng đặc nhiệm của hải quân Mỹ quay trở về với nguồn cội của mình, tham gia nhiều hơn vào các nhiệm vụ trên biển, thì điều này sẽ giúp tăng cường các năng lực hàng hải độc nhất vô nhị của chúng ta, giúp chúng ta cạnh tranh và chiến thắng bất cứ đối thủ nào”, ông Gliday nói.
Khôi phục uy tín
Việc gia tăng quy mô của các trung đội SEAL sẽ giúp bổ sung thêm các khả năng về công nghệ cao. Sự cắt giảm số lượng các đơn vị sẽ cho phép cải tổ đội ngũ lãnh đạo trong bối cảnh một số vụ bê bối nổi lên trong thời gian gần đây làm ảnh hưởng uy tín của lực lượng này.
Một trong những vụ việc tai tiếng nhất là vụ bắt giữ Giám đốc hoạt động đặc biệt của hải quân, Edward Gallagher, với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh liên quan đến vụ giết hại một phần tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bị giam giữ và sát hại dân thường, trong một chiến dịch tại Iraq vào năm 2017.
Tiếp đến, 1 binh sỹ của Navy SEAL bị kết án 1 năm tù giam vì liên quan đến vụ hỏa hoạn năm 2017 khiến thành viên của lực lượng Mũ Nồi Xanh tại châu Phi tử vong.
Năm 2019, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Iraq gửi về nước một tiểu đội đặc nhiệm hải quân (Navy SEAL) do uống rượu trong khi làm nhiệm vụ và bị cáo buộc tấn công tình dục.
Vụ việc này diễn ra không lâu sau khi Navy Times đưa tin 6 thành viên đội SEAL 10 ở Virginia Beach có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy vì sử dụng cocaine.
Kể từ khi đảm nhiệm vai trò chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt của Hải quân Mỹ, ông Howard liên hệ với Lục quân và Thủy quân lục chiến để tham khảo ý kiến về cách thức sàng lọc tốt hơn các thành viên trong lực lượng biệt kích. Trong một số trường hợp, ông Howard cho biết, nhiều binh sỹ từng trải qua các cuộc kiểm tra đánh giá ban đầu phải thực hiện lại các cuộc kiểm tra theo quy trình mới.
Được thành lập từ năm 1962, đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ là một lực lượng hải quân tinh nhuệ, phản ứng nhanh, có thể thực hiện được những nhiệm vụ khó khăn mà các lực lượng thông thường không đảm đương được ở trong và ngoài nước Mỹ.
Lực lượng này càng được chú trọng và trải qua những đợt tập huấn đáng kinh ngạc kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Bình luận