Theo một quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, Tang sẽ xuất hiện tại tòa án vào ngày 27/7 tới.
Hồ sơ tại Tòa án quận ở San Francisco cho biết Tang làm việc tại Đại học California, đã không trung thực trong đơn xin thị thực của mình. Tang nói không phục vụ trong quân đội Trung Quốc, nhưng các nhà điều tra lại tìm thấy những bức ảnh chụp cô trong bộ quân phục quân đội Trung Quốc và phát hiện Tang Juan làm việc như một nhà nghiên cứu tại Đại học Quân Y Không quân Trung Quốc.
FBI thẩm vấn Tang hôm 20/6. Sau đó, cô này tới lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco. FBI tin rằng Juan ở lại đó cho tới nay. Juan bị cáo buộc gian lận visa hôm 26/6.
Cơ quan thực thi pháp luật Mỹ không thể vào đại sứ quán hoặc lãnh sự quán nước ngoài trừ khi được mời và chỉ một số quan chức hàng đầu như các đại sứ mới có quyền miễn trừ ngoại giao.
"Tôi sẽ không nói về hoàn cảnh vụ bắt giữ", vị quan chức Mỹ cho biết và nói thêm rằng các chi tiết vụ bắt giữ có thể được tiết lộ khi bị cáo xuất hiện trước Tòa án quận Đông của California đầu tuần tới.
Vị quan chức trên cũng khẳng định đây không phải là hành động ăn miếng trả miếng do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vào tối 23/7, FBI bắt giữ Tang. Nếu bị kết án, Tang phải đối mặt với án tù 10 năm và nộp phạt 250.000 USD.
Trước Tang, 3 nhà nghiên cứu Trung Quốc khác ở California và Indiana cũng bị bắt giữ với cáo buộc gian lận thị thực.
Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh các nghi phạm là một phần trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm xâm nhập vào các tổ chức của Mỹ để tìm kiếm các kiến thức khoa học và công nghệ.
"Đây là một phần khác trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tận dụng lợi thế của xã hội mở và khai thác các tổ chức học thuật", trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers cho hay.
Vụ bắt giữ Tang diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng sau khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán tại Houston. Đáp trả, Bắc Kinh kêu gọi Washington có hành động tương tự với lãnh sự quán nước này ở Thành Đô.
Bình luận