Mua đồ trong siêu thị, người tiêu dùng lười truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Hai, 05/09/2022 16:22:00 +07:00
(VTC News) -

Việc chưa quen truy xuất nguồn gốc hàng hóa khiến người tiêu dùng khiến như đang “tạm ứng niềm tin" mỗi khi đi mua sắm trong siêu thị.

Dù siêu thị, trung tâm thương mại đang trở thành kênh mua sắm quen thuộc với người dân đô thị nhưng việc lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng chủ yếu vẫn dựa vào cảm tính, do việc truy xuất nguồn gốc vẫn chưa trở thành thói quen cần phải có.

Chính điều này khiến không ít người tiêu dùng vẫn băn khoăn mỗi khi chấp nhận bỏ tiền đắt hơn để mua đồ trong siêu thị nhưng không chắc chất lượng của sản phẩm được đảm bảo đến đâu.

"Với cá nhân tôi, mua hàng ở siêu thị là lựa chọn khá yên tâm, an toàn. Tuy nhiên, nói thật là tôi cũng chỉ biết lựa chọn theo kinh nghiệm chủ quan, nên nhiều lúc cũng không tránh khỏi việc nghi vấn về chất lượng sản phẩm", chị Nguyễn Thị Hoa (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói.

Mua đồ trong siêu thị, người tiêu dùng lười truy xuất nguồn gốc hàng hóa - 1

Nhiều người tiêu dùng chưa có thói quen truy xuất nguồn gốc khi mua hàng trong siêu thị. (Ảnh minh họa)

Tương tự, do lo ngại về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm tại chợ, chị Phạm Hương, (Đống Đa, Hà Nội) đã chuyển hẳn sang mua rau củ quả, thịt cá…ở siêu thị từ nhiều năm nay, vì theo chị hàng ở siêu thị sạch sẽ hơn.

"Đi chợ hàng ngày mua rau củ cũng không thể nào biết được rau mình mua có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, cũng không biết nguồn gốc ở đâu. Nhưng đi chợ ở siêu thị hay cửa hàng tiện lợi thì yếu tố này được niêm yết công khai, minh bạch. Tuy nhiên tôi nhận thấy, không chỉ mình mà rất nhiều người khác vẫn chưa chú trọng đến việc này. Mọi người thường bỏ qua công đoạn truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tình trạng này có thể ví với việc người tiêu dùng đang "tạm ứng" niềm tin khi đi siêu thị", chị Hương nói.

Chị Hương dẫn chứng, những vụ việc rau sạch dởm “biến hình” vào siêu thị bị phanh phui trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng không thể đặt niềm tin hoàn toàn vào hàng siêu thị. Mà thay vào đó, mỗi người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn kỹ càng những sản phẩm chất lượng để tự hạn chế nguy cơ thiếu an toàn xuống mức thấp nhất. Muốn như thế, người tiêu dùng không thể bỏ qua bước truy xuất nguồn gốc hàng hóa mỗi khi đi siêu thị.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, vụ việc rau chợ “biến hình” vào siêu thị mới đây tại TP.HCM là bài học chung, không chỉ cho siêu thị mà cả những nhà quản lý thương mại. Đó là phải quản trị thường xuyên, liên tục toàn bộ chuỗi cung ứng, từ đầu vào đến kho, sơ chế, kiểm tra, phân loại trước khi ra quầy bán lẻ, sau đó lắng nghe khách hàng qua các kênh góp ý.

"Phải xem lại quy chế về trung tâm thương mại, siêu thị mà Bộ Công Thương vừa sửa đổi và thực hiện nghiêm quy chế đó. Thứ hai là phải giáo dục đội ngũ nhân viên, đi đôi với khen thưởng, xử lý người vi phạm. Nội bộ kiểm tra là chính, nhưng các cơ quan quản lý thị trường, y tế cũng phải giúp các đơn vị kiểm tra tốt hơn. Phải tăng cường dân chủ, tự do kiểm hàng hóa. Giám đốc siêu thị phải coi bán hàng như bán cho người thân của mình, đừng để mất niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả", ông Phú nhấn mạnh.

Hạo Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn