Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, về quy hoạch đô thị, khi xây dựng đều phải tuân theo các quy chuẩn về mật độ dân cư, diện tích dành cho cư dân, diện tích cơ sở hạ tầng, nơi công cộng, trường học, cơ sở y tế.
Tuy nhiên, thực tế, khi điều chỉnh quy hoạch, mật độ, quy mô dân cư tăng lên mà không điều chỉnh tăng tương ứng các hạ tầng về giáo dục, y tế. Thậm chí có nơi điều chỉnh quy hoạch lại thu hẹp diện tích hoặc dịch chuyển vị trí khu vực xây dựng trường học, dẫn đến mất cân đối. Mấu chốt của vấn đề này phụ thuộc vào khâu quản lý quy hoạch và thực hiện đầu tư đúng theo quy hoạch đã phê duyệt.
"Nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm xây nhà để bán, đầu tư thương mại sinh lời, mà không quan tâm đến phục vụ an sinh. Nhiều khu đô thị trước đây có 5 tòa chung cư với một trường học, 3 năm sau xây thêm 5 tòa khác, quy mô dân số tăng gấp đôi nhưng vẫn chỉ một trường, thậm chí còn không tăng thêm diện tích đất, mở rộng phòng, lớp cho trường học.
Số trẻ của 10 toà chung cư dồn lại một trường, sĩ số 60 - 65 em/lớp thì lấy đâu ra chất lượng tốt. Đây chính là nguyên nhân của việc quá dễ dãi trong cấp phép xây dựng và quy hoạch đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển giáo dục, con người", đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Để giải bài toán thiếu trường lớp tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần siết chặt khâu quản lý quy hoạch cũng như quá trình đầu tư xây dựng, điều chỉnh quy hoạch. Mạnh tay hơn có thể quy định, số toà chung cư, số hộ dân/trường học, nếu không đảm bảo đủ quy định thì cương quyết không cấp phép xây dựng.
Bình luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), xảy ra tình trạng thiếu lớp, thiếu trường, đơn vị bị đổ trách nhiệm đầu tiên là ngành giáo dục, nhưng cần thẳng thắn xem lại trách nhiệm và nguyên nhân của việc này. Ngành giáo dục đang bị đổ oan khi để sĩ số 60 em/lớp hay phụ huynh phải bốc thăm giành suất đi học cho con...
Bà Nga chỉ rõ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương quận/huyện đã cấp phép xây dựng quá nhiều chung cư cho các nhà đầu tư mà chưa quản lý chặt việc cơ sở hạ tầng đi kèm: trường học, công viên, bệnh viện...
Ngoài ra, trách nhiệm thuộc về đơn vị quy hoạch đô thị, không thường xuyên khảo sát, giám sát để kịp thời chấn chỉnh, hoặc đang tồn tại cơ chế xin - cho, "mắt nhắm mắt mở" để chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng trái quy hoạch chung.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, việc thiếu trường lớp tại các khu đô thị là thực trạng chung tại nhiều thành phố lớn hiện nay. Trong đó, việc dân cư quận Hoàng Mai (Hà Nội) bốc thăm để nhập trường gây xôn xao dư luận hồi tháng 9/2022 chỉ là dẫn chứng điển hình. Thực trạng thiếu trường lớp kéo dài trong nhiều năm qua, ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do chưa kiểm soát tốt quy hoạch đô thị. Các nhà chung cư mọc lên khắp nơi, nhiều người dân từ khắp nơi đổ về các khu đô thị lớn làm việc kéo đưa theo cả gia đình, con cái lên thành phố. Trong khi đó, dịch vụ để phục vụ cho nhu cầu học tập lại không tương thích, dẫn đến tình trạng thiếu chỗ học cho trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non.
Bà Hoa cho rằng cần nhiều giải pháp giải quyết bài toán trên, trong đó cần đồng bộ phát triển hệ thống nhà ở chung cư với hệ thống trường học. Đồng thời, vị đại biểu này cho rằng quá trình thực hiện cũng cần đẩy mạnh giám sát, thanh tra chặt chẽ, nếu phát hiện chủ đầu tư nào không thực hiện đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt thì phải can thiệp kịp thời, đảm bảo dịch vụ về giáo dục, y tế đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo nữ đại biểu, các cơ quan chức năng địa phương phải chịu trách nhiệm. "Quản lý địa bàn, không thể nói anh không biết gì khi hàng loạt chung cư, nhà cao tầng mọc lên như nấm nhưng lại không kèm theo các trường học để đảm bảo nhu cầu học tập", bà Hoa nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, thiếu trường học, thiếu giáo viên cũng là một trong những áp lực khiến ngành giáo dục không thể thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục.
"Chúng tôi rất mong trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng sẽ quan tâm hơn nữa tới việc phê duyệt các kế hoạch phát triển nhà ở tại các khu đô thị, đồng thời đảm bảo diện tích đất đai cho việc xây dựng hệ thống trường học, dịch vụ giáo dục, y tế để đảm bảo an sinh xã hội", bà Hoa chia sẻ.
Bình luận