• Zalo

Học sinh tiểu học tăng nhanh, TP.HCM 'đau đầu' giải bài toán thiếu trường lớp

Giáo dụcThứ Ba, 30/08/2022 17:45:04 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngày 30/8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 bậc tiểu học.

Bà Lâm Hồng Lãm Thuý, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2021 - 2022, bậc tiểu học thành phố gặp vô vàn khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Kế hoạch năm học và nội dung giáo dục phải thay đổi. Học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến trong nhiều tháng liên tiếp.

Trang thiết bị, sách giáo khoa nhiều quận, huyện thiếu thốn do giãn cách xã hội. Ảnh hưởng từ dịch bệnh cũng gây ra nhiều đau thương, mất mát cho gia đình học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên.

Học sinh tiểu học tăng nhanh, TP.HCM 'đau đầu' giải bài toán thiếu trường lớp - 1

Bà Lâm Hồng Lãm Thuý, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM giải đáp thắc mắc của các giáo viên tại hội nghị.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành, ngành GD-ĐT thành phố đã đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo học sinh tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học. Việc triển khai tốt hình thức dạy học trên Internet, truyền hình… đã giúp học sinh hoàn thành chương trình, đặc biệt là học sinh khối lớp 1, 2. 

Về mục tiêu cho năm học 2022 - 2023, bà Thúy nhấn mạnh: “Cần đáp ứng phòng học, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ năm học”.

Số học sinh trong năm học 2022 - 2023 tăng nhiều ở bậc tiểu học, tập trung tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện như quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 (bậc tiểu học hiện đã triển khai ở lớp 1, 2, 3), yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Học sinh đông trong khi nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa được trang bị đầy đủ thiết bị học tập theo Thông tư 37 của Bộ GD-ĐT, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. 

Bà Thúy đề nghị phòng giáo dục các quận, huyện, TP Thủ Đức cần sớm tham mưu cho địa phương để kịp thời đáp ứng trong năm học này.

Các trường cũng cần rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông theo quy định. 

“Cần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng trường lớp và đa dạng hóa các loại hình trường để sớm nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó phòng Giáo dục Tiểu học TP.HCM nói thêm. 

Học sinh tiểu học tăng nhanh, TP.HCM 'đau đầu' giải bài toán thiếu trường lớp - 2

Hội nghị cũng trao giấy khen cho các trường, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua.

Trước những thắc mắc của các thầy cô về việc một số sách giáo khoa chưa phù hợp với địa bàn TP.HCM, bà Thúy cho hay trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể sử dụng thêm các bộ sách khác. Tuy nhiên, sách giáo khoa mới cần phù hợp theo quy chuẩn để tránh gây lãng phí.

Đại diện ngành Giáo dục TP.HCM cũng yêu cầu các trường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp tăng cường công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh tiêm vaccine phòng COVID-19. Điều này nhằm bảo đảm sức khỏe cho cả thầy và trò, giúp học sinh không bị giãn cách việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn.

Kim Hồng - Thùy Linh
Bình luận
vtcnews.vn