• Zalo

Dấu ấn Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Chính trịThứ Tư, 16/11/2022 12:26:52 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau 21 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV hoàn thành các nội dung chương trình đề ra và được đánh giá là thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn.

Là kỳ họp cuối năm nên công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm. Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc khi thông qua 6 luật, 13 nghị quyết với tỷ lệ tán thành rất cao; cho ý kiến lần 2 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và 6 dự án luật khác.

Đó là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng “từ sớm, từ xa” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh. Sự đồng thuận cao trước nhiều nội dung khó, phức tạp, thậm chí nhạy cảm đến từ quá trình bàn thảo dân chủ, khoa học khi mà lãnh đạo Quốc hội có các buổi làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như thẩm tra, các phiên họp thường kỳ cũng như chuyên đề pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và sự giải trình, tiếp thu, chỉnh lý kịp thời, trách nhiệm của Chính phủ.

Dấu ấn Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV - 1

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/10 và bế mạc ngày 15/11/2022.

Kết quả kỳ họp cũng chứng minh những đổi mới trong hoạt động nghị trường phát huy hiệu quả. Dù thời gian kỳ họp rút ngắn hơn, bổ sung thêm nội dung, song chất lượng vẫn đảm bảo. Hiếm có kỳ họp nào mà ngay sau khi thảo luận tại 19 tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo lại ngay lập tức có báo cáo giải trình, nêu hướng tiếp thu các vấn đề lớn gửi tới đại biểu Quốc hội trước phiên thảo luận hội trường. Điều này giúp nội dung thảo luận trọng tâm, tập trung, nâng cao chất lượng dự án luật, nghị quyết và sớm đi tới đồng thuận. Các báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo cũng đến tay đại biểu nghiên cứu thấu đáo trước khi biểu quyết, và như chia sẻ của nhiều đại biểu là yên tâm hơn khi ấn nút. 

Thậm chí, lần đầu có nội dung phải lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu tới 2 lần, qua nhiều vòng giải trình, tiếp thu mới trình Quốc hội quyết định (Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở). Quy trình này cho thấy sự cân nhắc kỹ lưỡng, trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Những nội dung mới kịp thời được bổ sung vào chương trình như bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu mới thể hiện quyết sách linh hoạt, chủ động, trách nhiệm của Quốc hội trước vấn đề được Nhân dân, cử tri quan tâm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Nếu như Luật Đất đai (sửa đổi) được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lập pháp của nhiệm kỳ, thì các Luật Đấu thầu, Luật Giá… được cử tri và đại biểu gửi gắm kỳ vọng giải quyết những bất cập phát sinh trong bối cảnh, tình hình mới, thậm chí chưa có tiền lệ, cần lời giải cấp bách cho hàng loạt bài toán khó.

Quan điểm chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng tiếp tục được khẳng định. Như với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại Kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn đảm bảo thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 như dự kiến.

Dấu ấn Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV - 2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Công tác giám sát ngày càng rõ là trọng tâm đổi mới của Quốc hội. Ngoài phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi thì cuộc giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 để lại ấn tượng sâu sắc.

Trên cơ sở 580 báo cáo, văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cùng hệ thống phụ lục kèm theo khoảng 100 nghìn trang tài liệu, kết quả giám sát được phản ảnh tại báo cáo đầy đủ (93 trang), 42 phụ lục và 30 báo cáo giám sát trực tiếp tại các Bộ, ngành, địa phương với tổng số 1.685 trang. Nghị trường “nóng” với những phản ánh, nhận định, đánh giá và kiến nghị mạnh mẽ. Các cuộc hậu giám sát đi sâu, làm rõ tính chất, mức độ ở những nơi "đã có địa chỉ" sẽ tiếp tục được tiến hành.

Tâm tư nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, cả sự phấn khởi và lo lắng đều được phản ánh, xem xét toàn diện qua báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ban Dân nguyện, ý kiến đại biểu Quốc hội. Hơi thở cuộc sống vào nghị trường qua hàng loạt vấn đề được nêu trực diện, trong đó có cả những hạn chế, tồn tại kéo dài như tham nhũng vặt, giải ngân chậm cho đến những bức xúc hiện hữu như thị trường xăng dầu, giá cả hàng hóa, cán bộ ngành y tế, giáo dục thôi việc, nghỉ việc...

Dấu ấn Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV - 3

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp thứ 4.

Đáng chú ý, hiện tượng cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né tránh cũng được không ít đại biểu đặt vấn đề, thẳng thắn nhận diện trong nhiều báo cáo, giải trình. Yêu cầu đặt ra là sớm thể chế hóa những vấn đề ở Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Có đề xuất xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi; đồng thời phân hóa, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi.

Tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch được tăng cường khi số lượng phiên làm việc được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp cũng tăng lên để tạo thuận lợi cho cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát, nhất là đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau.

Kỷ luật, kỷ cương kỳ họp cũng ngày càng được siết chặt, đơn cử như thực hiện công bố công khai danh sách các cơ quan chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội, là một trong những cơ sở để Quốc hội xem xét, đánh giá việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Dấu ấn Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV - 4

Đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận ở Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội.

Những đổi mới trong hoạt động Quốc hội được thực tiễn chứng minh là đúng, phù hợp cũng được thể chế hoá kịp thời. Họp trực tuyến, kết hợp trực tiếp với trực tuyến, họp bất thường, họp nhiều đợt… giờ đây đã cụ thể hóa trong Nội quy kỳ họp Quốc hội, tạo hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để Quốc hội tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong quyết đáp yêu cầu từ thực tiễn đất nước.

Và tháng 12 tới đây, Quốc hội sẽ lại họp bất thường để xem xét nhiều vấn đề hệ trọng, cấp bách.

Ngọc Thành(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn