(VTC News) – "Từ nhỏ, em đã rất thích máy bay và muốn tự làm một chiếc máy bay. Em sẽ cố gắng hết mình để thực hiện được ước mơ".
Bạn Vương Song Kiếm (Wangshuang Jian) hiện sinh viên năm thứ hai Học viện Khoa học kỹ thuật Thái Sơn, Đại học Khoa học kỹ thuật Sơn Đông (Shandong University of Science and Technology).
Kiếm nuôi giấc mơ chế tạo máy bay từ nhỏ. Kiếm cũng từng chế tạo máy bay cánh gấp nhưng thất bại. Tuy nhiên, Kiếm không vì thế mà nản chí. Anh chàng sinh viên năm thứ hai này không ngại khó, ngại khổ làm thêm lấy tiền mua động cơ với niềm tin máy bay do mình chế tạo nhất định bay được.
Từng chế tạo một chiếc máy bay cánh gấp
Bạn Vương Song Kiếm quê ở huyện Bình Nguyên, thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Tuy mới bước chân vào giảng đường đại học, chưa được học qua kiến thức chuyên ngành nhưng với niềm đam mê, Kiếm bắt đầu làm máy bay từ hè năm 2011 với những kiến thức tự học qua mạng và sách vở.
"Từ nhỏ, em đã rất thích máy bay và muốn tự làm một chiếc máy bay. Em sẽ cố gắng hết mình để thực hiện được ước mơ", Kiếm chia sẻ.Bạn Vương Song Kiếm: "Em sẽ cố gắng hết mình để thực hiện ước mơ"
Biết con trai muốn làm máy bay, bà Thượng Bảo Thanh, mẹ của Kiếm là người đầu tiên phản đối. "Lúc bay rất nguy hiểm", bà tâm sự. Nhưng thấy con trai suốt ngày suy nghĩ, vẽ thiết kế, tìm tư liệu, bà dần dần thay đổi thái độ, từ một mực phản đối đến ủng hộ cậu con trai theo đuổi giấc mơ.
Không có tiền mua nguyên liệu, Kiếm lấy nguyên liệu từ chính những thanh thép, thanh sắt trong gia đình để hàn thành khung máy bay và hai cánh máy bay dài khoảng 4 m.
Sau khi làm xong khung máy bay, bài toán nan giải nhất đặt ra cho Kiếm là động cơ và cánh quạt lấy ở đâu?
Chiếc xe máy ba bánh của gia đình rất nhanh lọt vào tầm ngắm của Kiếm. Sau khi được sự đồng ý của cha mẹ, Kiếm tháo lấy động cơ của xe máy làm động cơ của máy bay. Còn cánh quạt, Kiếm làm bằng khúc gỗ du cứng. Do cánh quạt có đường dòng, không thể làm bằng máy công cụ, Kiếm đã mượn bào của bác thợ mộc trong thôn, làm rất cẩn thận.
Sau khi lắp đặt động cơ và cánh quạt, chiếc máy bay đã hoàn thành. Nhưng ước mơ của chàng sinh viên này vẫn chưa thành hiện thực ...
Đi làm kiếm tiền mua động cơ mới
Sau khi chế tạo xong, chiếc máy bay cánh gấp không thể cất cánh vì hiệu suất của động cơ xe máy không đủ mạnh, máy bay chỉ có thể di chuyển chậm dưới sức đẩy của gió.
Kiếm có nghĩ đến mua động cơ mới, tốt hơn. Nhưng động cơ tốt thì ít nhất cũng phải tốn hơn 8.000 NDT (khoảng 26.400.000 VNĐ). Với Kiếm và gia đình em, đây không phải là khoản tiền nhỏ và khoản tiền này không thể xin cha mẹ, chỉ có thể dựa vào bản thân.
Kỳ nghỉ hè năm 2011 kết thúc, Kiếm trở lại trường, mang theo ước mơ cháy bỏng. Trong suốt thời gian học, Kiếm tận dụng tất cả thời gian rảnh để kiếm tiền bằng rất nhiều công việc như phát tờ rơi, bốc vác,...
Anh bạn tâm sự: "Có ngày em kiếm được hơn 100 NDT (330.000 VNĐ). Số tiền còn lại sau khi sinh hoạt em đều để dành".Chiếc máy bay cánh gấp của Vương Song Kiếm
Trong thời gian nghỉ đông năm 2012, Kiếm quyết định đi làm việc tại một xưởng sản xuất máy tính ở Thượng Hải sau khi đọc quảng cáo tuyển công nhân của xưởng sản xuất này. Và Kiếm đã làm việc buổi tối tại đây trong 1 tháng.
Anh bạn chia sẻ với phóng viên: "Làm việc buổi tối lương cao hơn làm việc ban ngày rất nhiều. Em làm đúng 1 tháng, chỉ trừ đêm giao thừa và sáng ngày 1 tết. Lần đầu tiên trong đời không ăn tết cùng gia đình, cảm thấy rất buồn, nhưng để thực hiện giấc mơ chế tạo máy bay, nỗi khổ nào em cũng chịu được".
Sẽ bay thử trước kỳ nghỉ hè năm 2012
Kết thúc kỳ nghỉ đông năm 2012, ngày 19/2, Kiếm cầm hơn 2000 NDT (khoảng 6.600.000 VNĐ) quay trở lại trường với quyết tâm chế tạo máy bay, cố gắng bay thử trước kỳ nghỉ hè năm 2012.
Sau khi lập kế hoạch, Kiếm bắt đầu công tác chuẩn bị chế tạo máy bay mới với nhưng công việc đầu tiên như mua nguyên liệu và vẽ thiết kế.
Do động cơ chỉ có thể chịu được sức nặng 100 kg nên nguyên liệu làm máy bay đòi hỏi phải rất nhẹ. Rất may, số tiền mua nguyên liệu chỉ mất hơn 2000 NDT, đúng bằng tiền chàng sinh viên kiếm được trong thời gian nghỉ đông.
Sau khi mua đủ nguyên liệu, hiện nay, Kiếm đã bắt tay vào chế tạo khung máy bay tại xưởng thực nghiệm của trường.
Chàng sinh viên chia sẻ với phóng viên: "Về lý thuyết đã không có vấn đề gì, nhất định máy bay có thể cất cánh. Nếu vẫn không thể bay, em sẽ tiếp tục nghiên cứu cho đến khi thực hiện được ước mơ".
Sáng Nguyễn (Theo Sina)
Bình luận