Đầu giờ chiều 27/10, bà K.H., người nhận là nhà đầu tư cá nhân của Công ty Huy Việt Nam, có buổi gặp trực tiếp với người đại diện một nhóm nhà cung cấp hàng cho công ty này để nghe nguyện vọng của phía nhà cung cấp, đồng thời tìm ra hướng giải quyết cho sự việc.
Đại diện các nhà cung cấp cho biết họ mong muốn doanh nghiệp thực hiện đúng lời hứa về thời gian trả công nợ theo hạn cuối là ngày 28/10.
Bà K.H. cho biết việc xử lý công nợ cần có sự xuất hiện của ông Huy Nhật. Ngoài ra, với tình hình của Huy Việt Nam hiện nay, công ty chỉ có thể trả nợ dần cho các nhà cung cấp theo từng đợt chứ không thể trả hết trong một thời gian ngắn.
Muốn ông Huy Nhật nhượng lại Món Huế
Nói với Zing.vn tối cùng ngày, bà K.H. cho biết vẫn đang cố gắng liên lạc với ông Huy Nhật để giải quyết khoản nợ cho nhà cung cấp, đồng thời hỏi về việc sang nhượng lại thương hiệu Món Huế.
Giải thích về mong muốn mua lại thương hiệu, bà cho rằng những gì Món Huế từng đạt được tại thị trường F&B ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận và chối bỏ.
"Nói ở đây không phải tôi sống trong hoài hiệm, nhưng tôi muốn nó (thương hiệu Món Huế - PV) được sống lại, vì đó là tâm huyết của nhiều người làm nên, là phương tiện để quảng bá ẩm thực Việt", bà K.H. nói. "Với tôi, Món Huế chỉ đang bị ngã, tôi sẽ đỡ nó đứng dậy. Nếu có được Món Huế, cái tôi bán ra sẽ là chất lượng sản phẩm mang tên Món Huế chứ không chỉ là thương hiệu".
Tuy nhiên, bà cho biết việc này phụ thuộc rất nhiều vào ông Huy Nhật và các chủ đầu tư khác.
"Ông Huy Nhật là người sáng lập ra nó, việc tôi muốn mua lại hay tiếp tục phát triển phải được sự đồng ý của người gọi là cha đẻ của chuỗi này. Điều quan trọng là ông Huy Nhật cũng phải trở về đối diện với nhà cung cấp và nhân viên của công ty", bà nói thêm.
"Nhiều người nói rằng định giá của Huy Việt Nam giờ bằng 0, thậm chí còn âm, scandal lại quá nhiều. Tuy nhiên, tôi tin rằng Món Huế không thể dễ dàng chết đi như vậy được. Tôi chấp nhận bỏ thời gian, công sức tiền bạc cho cái cây sắp chết này, để nó lại tái sinh và phát triển", bà K.H. khẳng định.
Sẽ gọi vốn từ các quỹ đầu tư khác
Tính đến ngày 27/10, số tiền Công ty Huy Việt Nam đang nợ gần 60 nhà cung cấp được thống kê đã lên đến khoảng 40 tỷ đồng.
Khi được PV đặt câu hỏi về phương án tài chính đối với việc mua lại thương hiệu Món Huế cũng như ý kiến của các nhà đầu tư còn lại của Huy Việt Nam, bà K.H. cho biết sẽ gọi nguồn vốn từ các quỹ đầu tư khác cũng như đang chờ đợi câu trả lời của chủ thương hiệu trước khi tìm đến các nhà đầu tư còn lại.
Trong trường hợp ông Huy Nhật không xuất hiện, bà K.H. cho biết sẽ làm việc dưới sự tư vấn của luật sư và những người có dày dặn kinh nghiệm trong ngành để tìm ra cách khôi phục lại được thương hiệu Món Huế.
Trước những nghi vấn về khả năng tài chính của bà K.H. với khoản nợ của Món Huế hiện tại, bà cho biết sẽ phát triển lại thương hiệu này một các phù hợp nhất đối với số vốn bà kêu gọi được. Nếu may mắn thuyết phục được khách hàng chấp nhận sẽ tiếp tục mở rộng thêm.
"Nghi vấn về khả năng tài chính của cá nhân tôi là điều dễ hiểu. Chính vì vậy tôi mới cần gọi vốn từ các quỹ hoặc cá nhân đầu tư. Còn đối với khoản nợ, tôi tin ông Huy Nhật. Một khi ông ấy đã tạo ra được những thương hiệu lớn như vậy sẽ không phải là người vô trách nhiệm", bà K.H. nói thêm.
Khi được hỏi rằng liệu có quỹ đầu tư nào muốn tiếp tục rót tiền cho một thương hiệu đã nhận đầu tư lên đến 70 triệu USD mà vẫn sụp đổ này hay không, bà K.H nói: "Tôi chưa cho rằng nó đã sụp đổ. Cho đến khi nào thị trường không nhắc gì đến Món Huế nữa thì nó mới chết đi. Tôi tin đâu đó sẽ có người hiểu và muốn đồng hành cùng tôi".
Trước đó, trao đổi với Zing.vn tối 24/10, bà K.H. nhận định "trong lịch sử kinh doanh Việt Nam, chưa doanh nghiệp nào có vốn điều lệ lớn như Huy Việt Nam lại sụp đổ hoàn toàn chỉ trong vài chục tiếng đồng hồ như vậy. Điều này chứng tỏ toàn bộ hệ thống đã mục rỗng từ bên trong, chẳng qua nghệ thuật bưng bít của họ quá giỏi, che mắt cả những nhà đầu tư".
Việc hàng loạt nhà hàng trong hệ thống của Huy Việt nam đóng cửa, theo bà K.H, "hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tưởng của các nhà đầu tư. Chúng tôi chỉ quan tâm lợi tức về hàng tháng, đây là một sai sót lớn".
Nhà cung cấp gặp khó vì phụ thuộc vào chuỗi Món Huế
Trong buổi làm việc giữa bà K.H. và đại diện phía nhà cung cấp chiều 27/10, người đại diện này cho biết hoạt động kinh doanh nhiều nhà cung cấp đang gặp khó khăn do trước đây họ chỉ dồn sức cung ứng hàng cho chuỗi Món Huế.
Chính vì vậy, việc Món Huế đột ngột ngưng hoạt động đã làm ảnh hưởng đến đầu ra của hoạt động buôn bán, sản xuất, trong khi đó khoản công nợ chưa được thanh toán lại rất lớn, làm ảnh hưởng đến vốn kinh doanh của rất nhiều nhà cung cấp nhỏ.
Đại diện nhóm nhà cung cấp cho biết họ đang rất hoang mang, lo lắng nhưng vẫn cố gắng đợi đến hạn cuối cùng của cam kết trả công nợ, tức ngày 28/10. Họ mong muốn phía Công ty Huy Việt Nam trả lại tiền đúng hẹn, nếu không họ không chắc chuyện gì sẽ xảy ra.
Trước đó, khi hệ thống nhà hàng Món Huế đồng loạt đóng cửa, nhiều nhà cung cấp cho biết đang bị Công ty TNHH Nhà Hàng Món Huế và Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam nợ tiền nguyên liệu với tổng số nợ hàng chục tỷ đồng. Nhiều người lao động của chuỗi Món Huế cũng bị nợ hơn một nửa lương tháng 9 và toàn bộ lương tháng 10.
Đại diện một nhóm các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Huy Việt Nam cho biết đang tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện ông Huy Nhật lên TAND TP.HCM.
Bình luận