Gần 300 lượt tàu chạy mỗi ngày
Từ ngày 12/12/2020 đến ngày 31/12/2020, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bước vào giai đoạn chạy thử 20 ngày để đánh giá an toàn hệ thống, phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao.
Video: Ngắm đoàn tàu lần đầu chạy thử toàn tuyến trên đường sắt Cát Linh-Hà Đông
Trả lời VTC News, đại diện đơn vị vận hành – ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, quá trình vận hành thử toàn hệ thống tuân thủ theo đúng biểu đồ vận hành chạy tàu khai thác thương mại với 287 lượt chạy tàu mỗi ngày, khung giờ cao điểm từ 5-6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt; bắt đầu vận hành từ 5h đến 23h hằng ngày.
Trong những ngày chạy thử để đánh giá an toàn hệ thống, Hanoi Metro đã đưa 700 người lên tuyến và các nhân sự của Hanoi Metro hoàn toàn tự chủ vận hành. Một số bộ phận kỹ thuật, an toàn, bảo vệ làm việc 3 ca, bảo đảm ứng trực 24/24 giờ.
Đại diện Hanoi Metro cũng khẳng định, những hư hỏng, xuống cấp tại các nhà ga đang được Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) và tổng thầu rà soát, khắc phục, bảo đảm chất lượng trước khi bàn giao cho thành phố Hà Nội.
Quá trình chạy thử toàn hệ thống để đánh giá an toàn, phục vụ công tác nghiệm thu cũng đang được triển khai bảo đảm yêu cầu. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang khẩn trương cho các công đoạn cuối cùng để có thể đưa vào khai thác thương mại phục vụ nhân dân dự kiến trong quý I/2021.
Đánh giá về những ngày đầu chạy thử nghiệm đối với dự án, theo đại diện Bộ GTVT, kể từ ngày 12/12/2020 (thời điểm bắt đầu vận hành thử) đến nay, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, tuân thủ theo đúng các yêu cầu kỹ thuật. Tỷ lệ hoàn thành chuyến lượt đạt 100%, tỷ lệ đúng giờ đạt trên 99%.
2020 được xem là năm chạy nước rút đối với dự án với những nỗ lực của toàn hệ thống các đơn vị liên quan.
Theo đó, vào tháng 10/2020, để sẵn sàng tiếp nhận và đưa vào vận hành phục vụ nhân dân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND ban hành quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Các cơ quan liên quan của thành phố tùy theo chức năng của mình đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ. Hanoi Metro cũng đã tập trung hoàn thiện bộ máy hoạt động, tuyển dụng, đào tạo nhân lực và in ấn các tài liệu hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ; Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hoàn thành xây dựng các kịch bản kết nối hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị; xây dựng phương án thẻ vé…
Trước đó vào tháng 5/2020, báo cáo về những khó khăn tại dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể, báo cáo tại tháng 5 của Bộ cho biết, các nhân sự của tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (tư vấn ACT) tại thời điểm này chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh.
3 kịch bản vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Liên quan đến các kịch bản kết nối và vận hành, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các kịch bản kết nối giữa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với hệ thống xe buýt để phát huy hiệu quả cho hệ thống giao thông công cộng Thủ đô.
Theo đó, thành phố đã chia ra làm 3 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, trong 15 ngày đầu chạy miễn phí sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để bảo đảm việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn.
Kịch bản thứ hai, sau thời gian chạy miễn phí (đường sắt đô thị hoạt động bình thường với 10 đoàn tàu) sẽ tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến buýt bảo đảm nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm theo lộ trình, các tuyến buýt ít bị ảnh hưởng điều chỉnh trước, các tuyến buýt bị ảnh hưởng lớn điều chỉnh sau, hạn chế tới mức thấp nhất đối với hành khách hiện nay do xe buýt đảm nhận. Với kịch bản này sẽ điều chỉnh có lộ trình đối với 4 tuyến buýt (tuyến số 02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Sau 3 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh hợp nhất 2 nhánh tuyến 21A (Bến xe Giáp Bát - Bến xe Yên Nghĩa) và nhánh tuyến 21B (Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp - Bến xe Mỹ Đình) thành một tuyến buýt ngang số 21 (Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại 2 ga (Thượng Đình, Vành đai 3), cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Vành đai 3 đến Ga Yên Nghĩa (7,5km) bảo đảm tăng cường kết nối ngang, giảm dần kết nối dọc.
Sau 6 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh tuyến buýt 27 (Bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) thành tuyến buýt kết nối ngang (Khu đô thị Định Công - Nam Thăng Long) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Láng đến Bến xe Yên Nghĩa (10km). Sau 9 tháng tàu đi vào khai thác thương mại sẽ điều chỉnh tuyến buýt 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa) thành tuyến buýt ngang (Bác Cổ - Bến xe Mỹ Đình) kết nối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ngã Tư Sở tới Bến xe Yên Nghĩa (9km)...
Kịch bản thứ ba là khi đoàn tàu gặp sự cố. Đây là điều được thành phố tính tới nhằm bảo đảm an toàn hệ thống và ít ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Khi đó sẽ tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách. Cùng với đó, thành phố Hà Nội sẽ phát triển thẻ vé điện tử cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Loại vé này sẽ tích hợp với thẻ vé của các hệ thống đường sắt đô thị cũng như xe buýt thường, xe buýt nhanh trong tương lai nhằm bảo đảm tiện lợi nhất cho hành khách.
Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông đắt nhất 15.000 đồng/lượt
Tổng thầu Trung Quốc đã in hàng triệu thẻ vé, vận hành thử hệ thống cửa soát vé các ga tàu điện Cát Linh - Hà Đông, sau đó tổ chức diễn tập vận hành khai thác toàn hệ thống theo biểu đồ chạy tàu thật, trong đó có việc vận hành hệ thống kiểm soát vé tại các nhà ga.
Vé tàu Cát Linh - Hà Đông có kích cỡ giống chiếc thẻ ATM, thiết kế màu xanh, mặt trước in hình ảnh Hồ Gươm, tháp Rùa và đoàn tàu đô thị. Mặt sau in logo của Hanoi Metro - đơn vị quản lý tuyến đường sắt. Vé này có thể nạp tiền theo nhu cầu của hành khách để lên tàu.
TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến dự thảo phương án giá vé trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông. Có ba loại giá vé áp dụng theo tháng, ngày và lượt. Cụ thể, nếu đi theo tháng giá vé 200.000 đồng/người. Mức 30.000 đồng áp dụng cho vé ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày).
Giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng đường ngắn nhất. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ. Việc thanh toán bằng thẻ được khuyến khích với mức giá rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt khoảng 500 đồng mỗi lượt.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).
Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức được triển khai và phải nhiều lần điều chỉnh tổng vốn đầu tư, lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).
Dự án đã được đóng điện toàn hệ thống vào cuối tháng 7/2018. Từ 20/9/2018, dự án vận hành thử toàn bộ hạng mục (gồm đoàn tàu và 11 thiết bị liên quan) và khai thác thương mại sau khi chạy thử 3-6 tháng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đưa vào khai thác.
Trong năm 2019, hơn 600 nhân lực cả của Tổng thầu Trung Quốc và lái tàu người Việt Nam đã than gia vận hành tuyến đường sắt và diễn tập xử lý 21 tình huống giả định sự cố xảy ra trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết, trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện và cố gắng tối đa để đưa dự án Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Sau đó, do dịch COVID-19, các kỹ sư, công nhân của Tổng thầu Trung Quốc đã không thể sang triển khai công việc theo kế hoạch, đường sắt Cát Linh – Hà Đông tiếp tục bị ảnh hưởng.
Đến tháng 10/2020, các chuyên gia, kỹ sư Tổng thầu Trung Quốc mới được cấp phép và thực hiện các thủ tục cách ly khi nhập cảnh theo quy định rồi mới được tiếp tục công việc.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 28/10 vừa qua về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, thành phố Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP Hà Nội phải tập trung sức lực. Các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất. An toàn phải đặt lên hàng đầu. Nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn. Các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết, trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện và cố gắng tối đa để đưa dự án Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bình luận