Trên tay xách một túi sâu màu trắng nặng khoảng 2kg vẫn còn bò lúc nhúc, anh Nguyễn Hoàng Quân ở Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) khoe: Đây là sâu tre, anh phải dậy từ 5 giờ sáng để phi xe máy ra bến xe chờ hai tiếng lấy được túi sâu này.
Anh Quân cho biết, đây là món khoái khẩu, anh phải đặt mua từ trong Thanh Hóa trước đó cả tuần mới có hàng. Với số sâu này, anh chia làm 2 phần, một phần gửi biếu bố mẹ; phần còn lại, tối anh làm món sâu tre chiên giòn với lá chanh thết đãi bạn bè và vợ con.
Loại sâu này chiên giòn lên, ăn vừa béo ngậy lại giòn tan, cực kỳ hấp dẫn. Anh Quân đã được thưởng thức món sâu tre lần đầu cách đây 2 năm, dịp vào vùng Mường Lát (Thanh Hoá) công tác. Khi đó, anh được bà con thết đãi món sâu tre là đặc sản khá nổi tiếng của vùng này.
"Mới đầu nhìn thấy những con sâu tre to bằng đầu đũa, dài bằng hai đốt ngón tay xếp đầy trên đĩa, tôi cảm thấy rùng mình. Thực ra thì tôi mới ăn thử loại tôm bay, nhộng tằm. Thế nhưng, khi nếm con sâu đầu tiên thấy giòn ngon, thơm và béo ngậy rất hấp dẫn. Ăn một lại muốn ăn thêm, cứ thế thành nghiện món sâu tre này luôn", anh Quân chia sẻ.
Chị Hà Thị Thuý ở phố Trung Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay, vào mùa này, sâu măng hay còn gọi là sâu tre luôn là món ăn khoái khẩu của gia đình chị.
"Nhìn đĩa sâu chiên giòn đặt ở giữa mâm cơm cũng ghê ghê, nhưng các thành viên trong gia đình tôi ai cũng nghiện. Đặc biệt là hai con tôi còn khen ăn giòn như bim bim, một bữa cơm có thể ngồi ăn hết cả đĩa mà không thấy chán", chị nói.
Tuy nhiên, món sâu này rất hiếm, giá đắt mà phải tìm được mối để đặt hàng trước cả tuần. Mua được rồi, chị lại chia ra làm nhiều bữa, mỗi bữa đem chế biến 3-4 lạng ăn dè. Còn lại, cất sâu vào tủ cấp đông, tuần đem ra chiên 1-2 lần.
Trao đổi với PV, anh Lê Văn Thọ ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), một mối chuyên buôn bán các loại đặc sản vùng Tây Bắc, cho biết, sâu tre gần giống với sâu chít. Song, sâu chít dân thường để ngâm rượu còn sâu tre mọi người thường mua về chế biến.
Theo anh Thọ, mùa sâu tre bắt đầu từ tháng 9, đến cuối tháng 10 là hết. Đây là thời điểm sâu tre sinh sôi nảy nở, sâu nhiều và béo nhất. Người dân ở những vùng núi như Sơn La, Mường Lát (Thanh Hoá) thường vào các khu rừng, tìm những cây tre, nứa có biểu hiện héo ngọn, đốt tre bị co rúm, ngắn lại khác thường thì chặt những đốt ấy ra, kiểu gì cũng thấy những con sâu tre màu trắng lúc nhúc bên trong.
Sâu này khá hiếm, không phải cây tre nào cũng có. Song, nếu tìm trúng đốt tre có sâu thì mỗi đốt có thể chứa đến nửa ký sâu.
Trước đây, sâu tre được bà con mang về làm thức ăn cho gia đình. Nhưng giờ nhu cầu mua sâu tre của người dân thành thị tăng lên, sâu tre được bán cho các nhà hàng, quán ăn làm món đặc sản khá nhiều.
Là món ăn đặc sản, chỉ khai thác được ngoài tự nhiên theo mùa nên sâu tre ở Hà Nội có giá tới nửa triệu đồng/kg, nhưng lượng hàng anh Thọ gom từ các mối quen vẫn không đủ để bán. Khách muốn mua phải đặt trước 1 tuần.
Đặc biệt, loại sâu này là hàng tươi sống, rất khó vận chuyển, không cẩn thận sâu sẽ chết nên khi có hàng, anh thường sang tay luôn cho khách đã đặt, đảm bảo sâu tới tay khách tươi ngon lại tránh bị hao hụt.
Bình luận