Tại Venice (Italy), tàu thuyền và du khách không còn đi lại trên những kênh đào trong thành phố. Môi trường xung quanh có nhiều tích cực, dòng nước trong xanh hơn, thậm chí có thể nhìn thấy đàn cá bơi dưới nước.
Theo NBC News, việc phong tỏa nghiêm ngặt vì Covid-19 có mặt tích cực là góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm và giảm khí nhà kính đáng kể.
Các vệ tinh quan sát Trái Đất cho thấy, các biện pháp phòng chống dịch tạm thời như đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại dẫn đến việc giảm đáng kể lượng khí thải có hại.
“Carbon dioxide (CO2) gắn liền với hoạt động công nghiệp, sản xuất điện và giao thông, nên tất cả những gì ảnh hướng đến các lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng đến khí nhà kính”, Christopher Jones, nhà phát triển CoolClimate Network tại Đại học California nói.
Theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch Phần Lan, những phương pháp phong tỏa và cách ly ở Trung Quốc đã góp phần làm giảm thải khí CO2 25% trong vòng 4 tuần kể từ cuối tháng 1, so sánh với cùng giai đoạn năm 2019.
Phân tích của Myllyvirta cũng cho thấy các hoạt động công nghiệp đã giảm từ 15-40% ở một số lĩnh vực và tiêu thụ than tại nhà máy năng lượng giảm 36%.
Không chỉ Trung Quốc, mức độ ô nhiễm cũng giảm ở Italy. Ngày 8/3, khi số ca bệnh tăng cao, Italy đã phong tỏa miền Bắc và 2 ngày sau đó mở rộng ra phong tỏa cả nước.
Các nhà khoa học cho rằng từ điều này có thể rút ra một số bài học lớn việc chuẩn bị thế nào để đối phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cảnh báo những “tác dụng phụ” tích cực này chỉ là tạm thời, trừ khi có sự thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng hoặc xã hội.
Jacqueline Klopp, đồng giám đốc Trung tâm phát triển đô thị bền vững tại Đại học Columbia, New York nói: “Khi bắt đầu khởi động lại nền kinh tế, chúng ta cũng nên coi trọng lại điều này (bảo vệ môi trường). Liệu chúng ta có muốn quay lại tình trạng cũ hay muốn giải quyết những vấn đề trên và tái cấu trúc nền kinh tế để giảm khí thải ô nhiễm”
Video: Thị trưởng Italy ra công viên khuyên mọi người về nhà cách ly
Bình luận