"Hệ tiêu hóa có vai trò quan trọng với cơ thể, là nơi tiếp nhận thực phẩm để chuyển hóa thành dinh dưỡng nuôi các cơ quan trong cơ thể. Đây cũng là nơi tập trung 70% miễn dịch hệ bạch huyết biểu mô. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh giúp cơ thể khỏe mạnh", PGS.TS Trần Như Dương, Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 2023.
Theo ông Dương, dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới hệ vi khuẩn của đường ruột. Một chế độ ăn uống đa dạng 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất sẽ góp phần xây dựng hệ miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên để tăng cường lợi khuẩn đường ruột ông Dương khuyến cáo nên bổ sung sản phẩm có vi khuẩn probiotic (sữa chua). Vi khuẩn probiotic giúp điều chỉnh vi khuẩn đường ruột, giảm nguy cơ mắc các bệnh, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Ngoài việc cung cấp vitamin và khoáng chất như canxi, kali, kẽm, vitamin A, B2, đạm…, sữa chua còn chứa hàng triệu vi sinh, khi vào đường ruột sẽ tạo môi trường thuận lợi cho lợi khuẩn phát triển, ức chế hại khuẩn gây bệnh, hỗ trợ hệ tiêu hóa và miễn dịch khỏe mạnh.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho hay, đường ruột đóng vai trò quan trọng tiếp nhận dinh dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể. Do vậy, đường ruột khoẻ giúp việc hấp thu vi chất dinh dưỡng hấp thu đầy đủ, tăng cường đề kháng, chống lại các nhiễm trùng.
Nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua mỗi ngày
"Các nghiên cứu chỉ ra rằng ăn sữa chua thường xuyên là cách làm đẹp từ bên trong", bác sĩ Lâm nói và cho biết sữa cho giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, làm cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh, quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn, hỗ trợ đào thải các chất độc, giúp da khỏe mạnh, sáng mịn hơn. Bên cạnh đó, nguồn đạm trong sữa chua là đạm chuẩn, hỗ trợ hấp thu các khoáng chất và giảm huyết áp.
Vị chuyên gia khuyến nghị mọi người nên ăn 1-2 hộp sữa chua mỗi ngày để chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hóa nói riêng và nâng cao sức khỏe toàn diện nói chung.
Liên quan đến việc gần đây nhiều trẻ bị ngộ độc khi ăn sữa chua tự làm, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh sữa chua là thực phẩm tốt cho hệ tiêu hoá, nhưng tự làm sữa chua không đảm bảo an toàn vệ sinh có thể nhiễm các vi khuẩn gây ngộ độc. Việc tự làm sữa chưa mà không bảo quản tốt sẽ làm giảm đi chủng men tốt.
Vì vậy các gia đình nên lựa chọn thương hiệu sữa chua uy tín để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho gia đình. Bên cạnh đó cần bảo quản sữa chua ở nhiệt độ thích hợp để không làm chết, hoặc sinh ra vi khuẩn có hại.
"Nhiệt độ thích hợp để bảo quản sữa chua là từ 4 đến 8 độ C. Với nhiệt độ này sữa chua không bị đóng đá vẫn giữ được độ mềm mịn, ngon. Các vi khuẩn có lợi không bị chết đi và cũng không sản sinh ra vi khuẩn xấu", bác sĩ Lâm nói.
Nên ăn sữa chua khi nào?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo thời điểm tốt nhất nên ăn sữa chua.
Sau bữa ăn chính 1 giờ
Đây là khoảng thời gian lợi khuẩn trong sữa chua dễ dàng vượt qua môi trường khắc nghiệt của dạ dày để tăng hiệu quả hỗ trợ cải thiện đường ruột. Không những thế, thời điểm này dịch vị dạ dày đã loãng, độ pH được cân bằng, nên các lợi khuẩn trong sữa chua cũng có được điều kiện tốt nhất để phát triển.
Bữa sáng
Người đang thực hiện chế độ giảm cân, ăn kiêng... có thể ăn sữa chua cùng với một số loại trái cây, hạt, ngũ cốc, để có được một bữa sáng nhẹ nhàng mà vẫn đảm bảo tốt về vấn đề dinh dưỡng.
Buổi xế chiều
Đây là thời điểm cơ thể bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu mệt mỏi và cần được nạp thêm năng lượng. Nếu chọn sữa chua, bạn sẽ có được bữa ăn nhẹ giàu dinh dưỡng mà lại ít calo nên không chỉ giữ được vóc dáng mong muốn mà còn rất tốt cho sức khỏe.
Lúc luyện tập
Quá trình tập thể dục thể thao thường khiến cho cơ bắp bị căng. Ăn sữa chua sẽ giúp cơ thể được bổ sung canxi, carbohydrate, protein và lợi khuẩn cần thiết để phục hồi nhanh hơn. Đặc biệt, sau khi tập, năng lượng sẽ bị xuống thấp nên ăn sữa chua giúp bù vào mức năng lượng đã bị hao hụt này.
Bình luận