Ngay từ khi biết tin Hà Nội cho phép bậc mầm non đi học trở lại vào ngày 13/4, chị Nguyễn Thị Thanh Ngọc, chủ trường mầm non Hoa Sen (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đăng tin tuyển giáo viên trong các hội nhóm trên Facebook với mức lương trung bình 5,5 triệu đồng/tháng.
Sau 3 ngày đăng tin tuyển dụng, chị Ngọc không nhận được bất kỳ phản hồi hay liên hệ nào. Chị tiếp tục đăng tải thông tin, nhờ cả người thân cùng tìm kiếm, thậm chí tăng lương lên 10 triệu đồng/tháng, chấp nhận lãi ít hoặc hoà vốn để tuyển giáo viên. Đến nay chị vẫn chưa tìm được ai.
Trước đây, trường tổng cộng 12 lớp từ 3 đến 5 tuổi, gần 300 trẻ với 22 giáo viên, trung bình một lớp 2 giáo viên phụ trách. Đợt dịch đầu tiên năm 2020, trường cố gắng hỗ trợ giáo viên mỗi tháng 1 triệu đồng nhưng 4 người xin nghỉ, chuyển hướng sang công việc khác.
Liên tiếp các đợt dịch 2, 3 và 4, trường không đủ kinh phí để hỗ trợ lương như đợt đầu, các cô lần lượt xin nghỉ, người buôn bán online, người về quê xin việc, người lại đi làm công nhân xí nghiệp. Đến nay trường chỉ còn lại 8 giáo viên, gồm cả chị.
Ngày 13/4 khi tất cả các trường mầm non công lập mở cửa đón học sinh thì trường Mầm non Hoa Sen vẫn chưa thể hoạt động hết 100% công suất. Tạm thời chị Ngọc thông báo một số lớp mầm non 5 tuổi đi học trước, còn lớp 2 đến 4 tuổi tạm nghỉ. Để đảm bảo đủ số người đứng lớp, chị Ngọc xác định phải "xắn tay áo" hỗ trợ giáo viên, chờ đến khi tìm kiếm đủ người dạy.
Không riêng chị Ngọc, nhiều chủ trường chia sẻ, họ sẵn sàng chi trả mức lương cao hơn, thậm chí hạ yêu cầu, chỉ mong có nhân sự. Chị Trần Bảo Linh (Hà Đông, Hà Nội), chủ trường mầm non song ngữ Birght Star không thể tìm đủ giáo viên đứng lớp. Giáo viên hông còn mặn mà với nghề như trước đây. Dù đăng tin tuyển dụng lên khắp các hội nhóm với mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn nhiều lần so với trước nhưng 1 tuần nay, chị Linh vẫn không tìm được ai.
Nghỉ dịch quá lâu các cô chuyển sang bán hàng online, nhân viên kế toán, thu ngân với thu nhập trung bình từ 8 đến 10 triệu/tháng. Trong khi mức lương giáo viên chỉ từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, thời gian làm lại rất vất vả, từ 7h đến 17h30 và nghề nên các cô đa số không muốn quay lại với nghề.
Ngoài vấn đề nhân sự, anh Lê Hải Anh, chủ trường mầm non Hoa Ban (Hoàng Mai, Hà Nội) đau đầu với việc sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị lớp học.
"Đóng cửa gần một năm, 50% bàn ghế, đồ chơi gỗ, giấy đều bị mọt, mục không thể tái sử dụng, tường lớp học mốc đen buộc phải sơn lại toàn bộ. Chi phí sơn, sửa và sắm mới thiết bị dự toán gần 1 tỷ đồng, vượt quá tiềm lực kinh tế của trường. Thời gian nghỉ dịch, trường vẫn phải chi trả các khoản phí thuê mặt bằng, tiền hỗ trợ để giữ chân giáo viên...", anh Hải Anh nói và cho biết, tạm thời trường quyết định đóng cửa thêm một tuần để thay thế và sửa chữa, kịp đón trẻ vào đầu tuần tới.
Cô Hoàng Thị Kim Dung, chủ nhóm lớp Vàng Khuyên (Thanh Xuân, Hà Nội) quyết tâm mở cửa dù thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học. “Nghỉ học thời gian dài, phụ huynh quá sức trong việc trông trẻ. Họ đang trông chờ từng ngày cho con được đi học. Nếu đến ngày trường không mở cửa thì sẽ mất học sinh. Tôi xác định số học sinh đi học lại chỉ đạt 30 - 40% ban đầu và cũng chưa đủ ngay giáo viên", chị Dung nói. Trong thời gian mở cửa, trường sẽ tuyển thêm giáo viên, sắm thêm thiết bị để đảm bảo đáp ứng như cầu của các gia đình.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho trẻ trở lại trường từ ngày 13/4 đạt 80%. Báo cáo từ các Phòng GD&ĐT cho thấy, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, nhiều trường, nhóm lớp đã rà soát, hoàn thiện các điều kiện để sẵn sàng đón trẻ trở lại trường.
Toàn thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, số trẻ theo học tại các cơ sở tư thục là hơn 158.000, chiếm 30%.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trường, cơ sở mầm non tiếp tục tuyên truyền tới phụ huynh để tiếp tục nâng tỷ lệ trẻ đến trường cao hơn mức trên 80% so với tỷ lệ khảo sát. Ông cũng yêu cầu các trường tuyệt đối không chủ quan, lơ là dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.
Theo một khảo sát của Bộ GD&ĐT nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, 95,2% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Tại phiên giải trình với quốc hội về tổ chức dạy học trong bối cảnh COVID-19 cuối tháng 2/2022, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trên 500 trường mầm non tư thục phải giải thể do tác động của đại dịch. Nếu tính cả các nhóm lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ, con số có thể lên tới hàng nghìn.
Bình luận