Miura sẽ 'làm hại' Công Phượng, Tuấn Anh?

Thể thaoThứ Ba, 24/03/2015 07:24:00 +07:00

Triết lý bóng đá của HLV Miura thực hiện ở tuyển U23 Việt Nam khiến dàn 'gà nòi' của bầu Đức chơi bóng như 'mắc dây thun'.

Triết lý bóng đá của HLV Miura thực hiện ở tuyển U23 Việt Nam khác hoàn toàn những gì mà lò đào tạo HAGL JMG theo đuổi nên chẳng có gì khó hiểu khi dàn "gà nòi" của bầu Đức chơi bóng như “mắc dây thun” dưới tay nhà cầm quân người Nhật.

Chỉ cần đá nhanh, không cần kiểm soát bóng

Lối chơi mà HLV Miura xây dựng cho tuyển U23 Việt Nam hay trước đó là Olympic Việt Nam và ĐTQG là kiểu đá chớp nhoáng, không cần quá 3 chạm để triển khai bóng từ phần sân nhà sang sân đối phương. Cách đá này tương đối thành công ở ASIAD 17 với tuyển Olympic Việt Nam và ĐTQG tại AFF Cup 2014.

Đó là lối đá thực dụng, chỉ cần đưa bóng áp sát khung thành đối phương càng nhanh càng tốt, không cần ban bật phối hợp nhiều chạm. Lối đá này sở dĩ thành công trong năm 2014 vì về cơ bản khá phù hợp với kiểu chơi bóng quen thuộc của các CLB ở V-League xưa nay là có bóng cứ nhồi cho Tây.

Dù không to khỏe như các ngoại binh nhưng một số tiền vệ hay tiền đạo nội của Việt Nam như Công Vinh, Anh Đức, Hải Anh, Vũ Minh Tuấn, Mạc Hồng Quân, Văn Quyết, Huy Toàn… đã quen với kiểu chiến thuật như vậy nên có sự thích nghi nhanh với lối đá của HLV Miura.
 Công Phượng không phải mẫu tiền đạo cứ nhồi bóng cho rồi chạy (Ảnh: VSI)
Cầu thủ HAGL JMG được đào tạo để theo đuổi một triết lý bóng đá khác là giành quyền kiểm soát bóng dựa trên kỹ thuật cá nhân điêu luyện và sự ăn ý trong phối hợp. Cách chơi bóng này được cho phù hợp với thể trạng thấp mỏng của người Việt tương tự lối chơi của đội Cảng Sài Gòn vẫn được truyền tụng như một “huyền thoại” của bóng đá Việt Nam.

Khi lứa cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL JMG trình làng năm 2013 - 2014 thì tất cả các chuyên gia, HLV trong nước đều dễ dàng thống nhất với nhau rằng “chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại đào tạo được lứa cầu thủ có kỹ năng kiểm soát bóng điêu luyện đến vậy”. Ngay cả HLV Lê Thụy Hải phải thừa nhận kỹ thuật kiểm soát của cầu thủ HAGL JMG đã đạt đến mức “kỹ xảo” – tức là ở trình độ rất giỏi.  

Lối đá đó tạo nên thương hiệu không thể lẫn lộn cho tuyển U19 Việt Nam và đội HAGL JMG trong năm 2014. Ở V.League 2015 qua 8 vòng đấu, dù đội HAGL chỉ đạt kết quả ở mức trung bình thấp (2 thắng, 1 hòa, 5 thua) nhưng dàn cầu thủ trẻ “chấp Tây” của HLV Graechen đủ sức đá ngang cựa với nhiều đội bóng dày dạn hơn.

Sức hấp dẫn và sự lôi cuốn mà HAGL tạo ra giống như luồng gió mát thổi vào sân chơi V-League quá cằn cỗi bởi kiểu đá “có bóng cứ chuyền cho Tây” khiến khán giả ngán ngẩm và chất lượng cầu thủ Việt ngày càng đi xuống.
Điểm làm nên thương hiệu U19 Việt Nam và HAGL là khả năng kiểm soát bóng đã đạt tới tầm kỹ sảo (Ảnh: VSI) 
HLV Miura sớm muộn cũng “mắc cạn” với bóng đá Việt Nam

Việc bóng đá Việt xuất hiện hiện tượng HAGL JMG được coi là vốn tài sản rất quý vì nó tạo nên sự khác biệt bằng kiểu đá có bản sắc được xây dựng với quá trình khoa học, kỳ công. Sử dụng lứa cầu thủ HAGL JMG vì vậy không phải là chuyện đơn giản theo cách gọi lên tuyển rồi ráp đội hình đá theo ý muốn của HLV trưởng như cách thức bấy lâu nay bóng đá Việt Nam vẫn làm mà hiện tại HLV Miura là người đương nhiệm.

Nếu xây dựng lối đá theo phong cách mà HLV Miura đang theo đuổi thì có thể khẳng định cầu thủ các lò SLNA, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Hà Nội T&T chơi tốt hơn cầu thủ của HAGL JMG

So về cơ bắp, sức càn lướt và thể trạng của cầu thủ HAGL JMG không phải là điểm mạnh của họ nên với cách đá “nhanh-mạnh-gọn” đương nhiên dàn "gà nòi" của bầu Đức sẽ lộ hết các sở đoản ra.

Chính vì vậy mà trong tất cả các trận đấu của U23 Việt Nam thời gian qua, toàn bộ cầu thủ của HAGL JMG đều chơi rất tầm thường, kém hẳn các cầu thủ của CLB khác. Kể cả Tuấn Anh là người tài năng nhất của HAGL cũng chưa một lần tỏa sáng. Họ không tỏa sáng đơn giản vì không thể phát huy được sở trường.
 Phong cách của HLV Miura sớm muốn cũng mắc cạn ở Việt Nam? (Ảnh: VSI)
Trên bình diện rộng hơn, với phong cách “nhanh-mạnh-gọn” mà HLV Miura đang làm, người hâm mộ Việt Nam cũng đừng mơ chúng ta vượt mặt được Thái Lan. Công tác đào tạo, nền tảng giải VĐQG chúng ta kém người Thái và cũng khó hơn gì Malaysia, Indonesia vì thể chất của người Việt cũng không bằng họ.

Học viện HAGL JMG đã tạo ra một điểm sáng về cách chơi bóng phù hợp với người Việt Nam và lối chơi đó đã chứng minh được thực tế trên sân cỏ rằng Việt Nam có thể áp đảo được người Thái, Malaysia, Indonesia dù rằng đó chỉ ở sân chơi bóng đá trẻ.

Không phải quá chủ quan nhưng với cách xây dựng đội bóng hiện tại HLV Miura nên ưu tiên gọi cầu thủ của các CLB khác sẽ tốt hơn là cầu thủ của HAGL – những người sẽ không thể tỏa sáng khi phải chơi thứ bóng đá mà khán giả chỉ thấy họ phô ra toàn điểm yếu.

Clip U23 Việt Nam bị U23 Thái Lan vùi dập

Clip Công Phượng và U19 HAGL vùi dập U21 Thái Lan

Clip U19 Việt Nam khiến U19 Thái Lan thua tâm phục

Nguồn: Một Thế Giới
Bình luận
vtcnews.vn