Military Watch cho biết, các đơn vị pháo binh Ukraine đã buộc phải giảm 80 - 90% số lượng đạn pháo được sử dụng xuống chỉ còn 10 - 20 viên đạn mỗi ngày. Trong khi đó, mức tiêu chuẩn là 50 viên/ngày và mức cao nhất mà các khẩu đội pháo Ukraine sử dụng là gần 90 viên/ngày, vào thời điểm nhận được viện trợ dồi dào từ phương Tây, theo lời của một binh sĩ Ukraine khi được Washington Post phỏng vấn.
Một thành viên thuộc Lữ đoàn pháo binh số 148 của quân đội Ukraine, đơn vị này sử dụng loại lựu pháo 155 mm do phương Tây cung cấp, phàn nàn với các phóng viên Washington Post về sự thiếu hụt đạn dược: “Bạn có thể làm gì với 10 viên đạn mỗi ngày? Nó hầu như không đủ để ngăn chặn những đợt tấn công của quân Nga, chứ chưa nói đến việc sử dụng pháo để tấn công vào các vị trí của họ”.
Các binh sĩ Ukraine luôn phàn nàn lực lượng Nga không phải rơi vào tình trạng thiếu đạn dược tương tự như họ. Một người lính khác nhấn mạnh, họ hiện chỉ được cung cấp một số lượng đạn rất hạn chế để sử dụng khi tấn công một mục tiêu cụ thể nào đó, trong khi đó các đơn vị tiền tuyến “rất mệt mỏi” khi không có hỏa lực chi viện và phải chịu nhiều sức ép từ đối phương, điều này càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Người lính này cho biết thêm, “Bạn lẽ ra phải có một loại lợi thế nào đó về số lượng, nhưng tình hình chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn, chúng ta không thể thắng một cuộc chiến khi chỉ dựa trên niềm tin”.
Tỷ lệ chi tiêu đạn dược ở Ukraine đã vượt xa khả năng sản xuất của những quốc gia phương Tây ủng hộ họ. Trong khi đó, những nỗ lực của các cơ quan tình báo phương Tây trong việc tìm kiếm các loại vũ khí tương thích có nguồn gốc Liên Xô để mua lại và viện trợ cho Ukraine cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất vũ khí và đạn dược của Ukraine cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu chiến trường, do quy mô sản xuất đã giảm rất nhiều do chiến tranh.
Ở phía ngược lại, các đơn vị Nga luôn được bổ sung vũ khí và trang thiết bị kịp thời, sản lượng các nhà máy quốc phòng của Nga đã tăng nhanh kể từ khi xung đột nổ ra. Một số nguồn tin phương Tây còn cho rằng Nga được một số đồng minh hỗ trợ thêm về đạn pháo và các loại UAV.
Việc Ukraine thiếu hụt đạn dược một phần nữa là do quyết định của Mỹ khi chuyển hướng viện trợ tới Israel từ đầu tháng 10, nhiều đơn hàng trong số đó đã được lên kế hoạch gửi tới Ukraine. Bên cạnh đó là sự cạn kiệt của kho dự trữ đạn dược ở các quốc gia thành viên NATO, cũng đã tạo ra những thách thức rất nghiêm trọng, khiến nhiều thành viên của khối không thể hỗ trợ thêm cho Ukraine.
Tình trạng thiếu đạn dược lần đầu tiên được nêu rõ vào cuối năm 2022, khi mạng lưới tên lửa đất đối không của Ukraine không còn tên lửa nên không đủ khả năng đối đầu với các tên lửa và máy bay Nga.
Đầu tháng này, các cuộc phỏng vấn với một số thành viên thuộc Lữ đoàn cơ giới hóa tinh nhuệ của Quân đội Ukraine, cũng đã chứng thực những tuyên bố được thu thập bởi Washington Post. Ngay cả khi có nguồn tiền tài trợ, các phương án sử dụng số tiền này để mua vũ khí vẫn còn hạn chế do nguồn cung đã cạn kiệt trong hai năm qua.
Đồng thời, tại Thượng viện Mỹ cũng có nhiều ý kiến bất đồng trong việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine, điều này càng làm cho tình hình của Ukraine thêm nhiều khó khăn khi cuộc phản công của họ đã không đạt được kết quả.
Bình luận