Video: Làng nghề miến dong ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa vào vụ Tết
Nghề làm miến dong ở xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Thủy) được người dân nơi đây lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nguyên liệu chính để sản xuất ra loại miến “đặc sản” này là củ dong riềng. Củ dong sau khi thu hoạch sẽ được làm sạch rồi xay lấy bột, đem tráng thành bánh, phơi ráo nước.
Trước kia, khi chưa có máy thái sợi, người dân chủ yếu dùng phương pháp thái tay thủ công. Những năm trở lại đây, miến dong được thái sợi thông qua máy thái, nhờ đó mà năng suất được nâng lên rõ rệt.
Đã có 3 đời làm miến dong, anh Lê Văn Phi (thôn Hạ Sơn, xã Cẩm Bình) chia sẻ: “Miến dong chủ yếu được làm nhiều vào mấy tháng cuối năm. Để làm ra sợi miến, phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ xay bột, tráng bánh đến thái sợi rồi phơi khô. Tết năm nay, thời tiết thuận lợi, miến bán được giá nên nhiều gia đìnhh ở thôn Hạ Sơn thu nhập tương đối khá so với các năm”.
Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 15-20 tấn miến/năm. Vụ Tết, mỗi gia đình sản xuất khoảng 100- 150kg bột, cho ra 50 – 70kg miến thành phẩm. Với giá bán 30 – 45 nghìn đồng/kg, những tháng giáp Tết, trung bình mỗi hộ thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/tháng/hộ 3 lao động.
Công việc làm miến dong không mấy nặng nhọc nhưng người làm phải dậy từ 3h sáng và làm đến tận 23h mới nghỉ. Chính vụ, làng miến dong luôn bận rộn.
Theo kinh nghiệm, để có được sợi miến ngon, dai và đẹp, những người làm bột và tráng bánh phải đúng kỹ thuật. Đặc biệt, khi làm bột dong cần đảm bảo yếu tố sạch sẽ, vệ sinh để tránh tình trạng bột bị mốc.
Theo anh Phi, làm miến dong phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Thời tiết nắng ấm sẽ rất thuận lợi khi phơi miến, còn những ngày mưa thì gần như nghỉ việc. Chính vì vậy, mỗi khi trời nắng họ thường tranh thủ làm hết công suất.
Miến dong Cẩm Bình được biết đến bởi độ ngon, sợi dai và ngọt. Mỗi năm, ở địa phương xuất đi khắp các tỉnh thành hàng trăm tấn miến. Sản xuất miến dong trở thành một trong những nghề đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân nơi đây mỗi dịp Tết đến xuân về.
Hiện, trên địa bàn toàn xã Cẩm Bình có hơn 200 hộ làm nghề miến dong, giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động. Nhờ nghề làm miến mà đời sống người dân Cẩm Bình ngày càng khá giả hơn, lao động tại địa phương có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định.
Bình luận