Hôm qua (14/6), sau 2 ngày phá án, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội cho biết, nghi phạm gây ra cái chết của cháu V.V.A, 35 ngày tuổi (Thạch Thất, Hà Nội) là P.T.T (SN 1998), mẹ đẻ của nạn nhân.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do T. mắc bệnh trầm cảm sau sinh, nên có những suy nghĩ tiêu cực, không làm chủ được bản thân.
Vậy, trầm cảm sau sinh là căn bệnh gì? Nó nguy hiểm đến mức nào?
Video: Thiếu phụ khai 'đau đầu và mất kiểm soát' khi dìm chết con đẻ 35 ngày tuổi
Chia sẻ với PVVTC News, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Hồng Vân (Viện Tâm lý Giáo dục) cho biết, đối với người phụ nữ, mang thai là giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời. Tuy nhiên, việc mang thai cũng dẫn đến hàng loạt thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần, đáng lưu ý nhất, có thể gây ra bệnh trầm cảm sau sinh.
Theo bà Vân, trầm cảm sau sinh là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và khá phổ biến hiện nay, tuy nhiên nó vẫn chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng.
Đối với các bà mẹ, họ chỉ nghĩ mình mệt mỏi, có cảm giác bức bối là vì mới sinh con, đợi một thời gian con lớn sẽ trở lại bình thường. Còn đối với chồng và các thành viên khác trong gia đình, mỗi khi thấy người mẹ có biểu hiện khác lạ thì cũng nghĩ chỉ là tình trạng bức bối hiển nhiên sau sinh. Chỉ đến khi người mẹ có hành vi quá đáng thì mới lo lắng, trách cứ và tỏ ra hối hận.
Bà Vân nhấn mạnh: “Việc có con và trở thành một người mẹ mới có thể rất căng thẳng và kèm theo nhiều trách nhiệm. Nếu bạn mới sinh con và không cảm thấy thoải mái về tinh thần thì có thể bạn bị trầm cảm sau sinh. Đây là chứng bệnh mà người mẹ bị suy sụp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả mẹ và con”.
Về nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh, bà Vân cho biết, vào thời điểm sau sinh, nội tiết tố của người mẹ bị rối loạn, thêm vào đó là những mệt mỏi trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh cùng những rắc rối trong quan hệ vợ chồng.
Phụ nữ sau khi sinh có sự thay đổi đột ngột như cơ thể mất đi một số hormone mà khi mang thai đang có như hormone nhau thai, cơ thể cũng bị giảm đột ngột estrogen và progestrogen. Đặc biệt là sự giảm mạnh hormone tuyến giáp, gây cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
Nghiên cứu cho thấy, khoảng 60% phụ nữ bị mắc chứng trầm cảm sau sinh. Ở Việt Nam, tỷ lệ này có thể nhiều hơn do điều kiện kinh tế cũng như nhận thức còn hạn chế.
Những người có tiền sử bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần tiền kinh sẽ dễ bị mắc trầm cảm sau sinh hơn. Đặc biệt, tuổi càng trẻ càng dễ bị.
Bên cạnh đó, những yếu tố như: Sống một mình; thiếu sự giúp đỡ xã hội; xung đột trong hôn nhân sẽ dẫn tới cảm xúc lệch lạc, mang lại suy nghĩ mâu thuẫn về việc mang thai, khiến cho phụ nữ sau sinh dễ mắc bệnh trầm cảm hơn.
Vì vậy, sau sinh, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi về thể chất lẫn tinh thần, các mối quan hệ xã hội, tương tác gia đình là những yếu tố quyết định tâm lý người phụ nữ ổn định hay không.
“Thông thường, những người phụ nữ có tính cách mềm yếu, ít va chạm, sẽ dễ mắc trầm cảm hơn. Còn những người được va chạm nhiều sẽ tăng sức đề kháng. Bị trầm cảm sau sinh, người phụ nữ sẽ mất niềm vui, có cảm giác vô vọng, thấy bản thân vô dụng và bất lực. Từ đó sẽ dẫn tới suy nghĩ về cái chết hoặc có nhiều suy nghĩ tiêu cực, làm hại người khác”, bà Vân cho biết.
Cũng theo bà Vân, thời gian trầm cảm sau sinh đối với người phụ nữ xảy ra vài ngày hoặc vài tháng sau khi sinh con. Tình trạng này không chỉ gặp phải ở phụ nữ lần đầu làm mẹ, mà những người càng nhiều lần sinh con thì nguy cơ mắc phải loại bệnh này càng cao.
Bị trầm cảm sau sinh, người mẹ không kiểm soát được cảm xúc nên thường khóc không rõ nguyên nhân và lên cơn hoảng sợ. Họ gặp khó khăn trước trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ, khó chịu bực bội vì sự có mặt của con. Cảm thấy mình không xứng đáng chăm sóc con, dẫn đến việc cáu ghắt với người khác, dễ lo âu và hoảng sợ, buồn bã, cảm thấy có tội.
Người bệnh sẽ không còn thích thú với những hoạt động mình ưu thích trước kia, giảm thiểu giao tiếp với người khác, ăn uống thất thường. Việc an ủi của người khác không đem lại kết quả, luôn cảm thấy trống rỗng, cảm thấy yếu ớt hoặc không còn sức lực. Không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục, giảm khả năng diễn đạt chính xác khi nói hoặc viết. Đặc biệt, họ luôn thấy tuyệt vọng, lòng tự trọng thấp.
Đáng nói, những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan đến bạo lực đối với đứa trẻ. Trong trường hợp bị nặng, ý nghĩ và hành vi giết đứa trẻ ngay sau khi sinh cũng có thể xảy ra. Họ không làm chủ được hành vi của mình, họ cho rằng đó là cách bảo vệ đứa trẻ, họ hành động theo ảo ảnh nào đó ép buộc.
Theo bà Vân, bệnh nhân trầm cảm sau sinh cần được hỗ trợ từ phía gia đình, người thân và bác sĩ. Người thân phải luôn luôn quan tâm, chia sẻ một cách nhẹ nhàng với bệnh nhân, luôn giữ tinh thần thoải mái, không trách mắng hay la hét khi họ làm sai. Thường thì một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, do vậy hãy cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có 1 người mà cô ta có thể tin tưởng ở bên cạnh.
Video: Phụ nữ trầm cảm sa sinh có thể giết con hoặc tự tử
Với các bà bầu, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ nên tham gia vào những lớp học tiền sản do các cơ sở y tế, bệnh viện tổ chức để trang bị những kiến thức cần thiết khi chăm sóc con nhỏ và chuẩn bị tâm lý cũng như tìm hiểu các căn bệnh có thể xảy ra sau khi sinh.
Khi có dấu hiệu căng thẳng tinh thần, có thể massage đầu, nghe bản nhạc vui để làm đầu óc được thư giãn.
Quan trọng nhất, vẫn là thái độ quan tâm ân cần, sự chia sẻ trong việc chăm sóc con của người chồng và gia đình, đó sẽ là những yếu tố thuận lợi giúp phụ nữ sau sinh không rơi vào căng thẳng dẫn đến trầm cảm.
Bình luận