• Zalo

Mẹ đơn thân bị khối u nửa mặt và hành trình 'lột xác' sau 3 cuộc đại phẫu

Khỏe đẹpThứ Sáu, 29/09/2023 11:37:21 +07:00Google News
(VTC News) -

Trải qua ba cuộc phẫu thuật lớn, khối u khổng lồ chiếm một nửa khuôn mặt của chị Thuý được loại bỏ, mở ra tương lai tươi sáng cho hai mẹ con.

"Suốt hơn 27 năm, mỗi khi bước ra đường, mọi người đều kêu tôi là nhỏ một mắt, nhìn thấy ghê", câu nói đầy xót xa của Phạm Thị Diệu Thuý (sinh năm 1993, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) khi nhớ về quá khứ.

Từ khi sinh ra chị đã mang bớt đỏ ở mắt phải, không ai ngờ vết cứ to dần lên và hình thành khối u trên mắt. Lâu dần nó khiến chị đau đầu và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Năm Thúy 11 tuổi, cha mẹ dành dụm một chút tiền đưa con gái lên Sài Gòn khám bệnh. Bác sĩ cho biết, chị bị khối u xơ dây thần kinh, nhưng vì không có điều kiện để mổ nên chị về quê và chấp nhận sống chung với bệnh tật suốt đời.

Các chuyên gia đánh giá đây là ca bệnh khó, thử thách đối với y học.

Các chuyên gia đánh giá đây là ca bệnh khó, thử thách đối với y học.

Mỗi năm trôi qua, khối u trên mắt càng lớn, che mất một bên thị lực. Sự khác biệt trên mặt khiến Thúy sống trong những tháng ngày tự ti. "Từ nhỏ đến lớn mọi người gọi tôi là "Thúy một mắt", tủi thân lắm. Đi học thì bạn bè xa lánh, dị nghị và ít khi chơi cùng", chị kể. Khi đi xin việc, chị cũng nhận không ít lời từ chối.

Cuộc sống của Thúy cứ diễn ra như vậy cho đến năm 2015. Chị gặp gỡ và bén duyên với người đàn ông làm cùng xưởng gỗ. Cả hai thề non hẹn biển và quyết định tiến tới hôn nhân. Biết con quen với người phụ nữ bị tật trên mặt, gia đình nhà kịch liệt phản đối chị.

Bỏ ngoài tai sự cấm cản, cả hai vẫn ở bên nhau nhưng chưa tổ chức được đám cưới đúng nghĩa. Một năm sau, Thúy sinh con đầu lòng, đây cũng là lúc chị nhận ra khối u trên mắt mình ngày một lớn, che khuất nửa khuôn mặt. Con được 14 tháng tuổi, chồng chị bỏ đi vì "không chịu được áp lực từ gia đình".

Làm mẹ đơn thân khi còn khá trẻ lại khó khăn trong chuyện xin việc, Thúy đành gửi con ở quê và cùng mẹ lên Sài Gòn làm nghề bán vé số. Không ít lần chị nghĩ đến chuyện phẫu thuật cắt bỏ khối u trên mặt nhưng nhìn lại hoàn cảnh khó khăn của bản thân, chị chỉ biết tặc lưỡi chấp nhận.

Hơn 27 năm chung sống với khối u nửa mặt, chị Thúy chưa một ngày thôi hy vọng may mắn sẽ đến với mình. Trong một lần lên mạng, chị vô tình biết đến một chương trình phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí cho các hoàn cảnh đặc biệt. Chị mạnh dạn đăng ký với hy vọng có cơ hội được phẫu thuật thay đổi ngoại hình. Chị muốn mỗi khi đưa đón con đi học có thể ngẩng cao đầu, và sau này con gái lớn lên cũng không phải mặc cảm vì có người mẹ như vậy.

Chị vỡ òa khi nhận thông báo lọt vào top những người được chọn của chương trình. Chị được mời ra Hà Nội để các bác sĩ thăm khám và đưa ra quyết định thay đổi ngoại hình.

Theo tính toán, thời gian phẫu thuật và phục hồi diễn ra trong 4 tháng, chị Thúy chấp nhận ở lại Hà Nội một mình, xa con suốt thời gian đó. Từ lúc con gái ra đời đến giờ, đó là lần đầu hai mẹ con xa nhau lâu đến vậy. Nghĩ đến con, chị càng quyết tâm hơn. 

Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ và thành công. Chị đoàn tụ trong sự ngỡ ngàng của người thân. Gặp lại mẹ, ban đầu con gái cứ bỡ ngỡ, chỉ khi được mẹ ôm vào lòng, bé mới cảm nhận được tình cảm từ mẹ và òa khóc. Dù sau phẫu thuật gương mặt chị vẫn chưa thực sự hoàn thiện nhưng chị cảm thấy rất vui và tự tin hơn nhiều với ngoại hình mới.

Khuôn mặt sau khi được loại bỏ khối u của chị Thuý. (Ảnh: NVCC)

Khuôn mặt sau khi được loại bỏ khối u của chị Thuý. (Ảnh: NVCC)

Theo TS.BS Richard Huy, Giám đốc chuyên môn tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, trường hợp của bệnh nhân Thúy được đánh giá là rất khó, thử thách đối với y học. Khối u xơ thần kinh đã xâm lấn vào đầu, gây chèn ép khiến thị lực mắt kém, phần tai bị di lệch, thậm chí khối u quá lớn chiếm mất một phần khuôn mặt. Cả ekip nhiều lần kiểm tra, hội chẩn rồi mới đi tới kết luận phẫu thuật cho bệnh nhân.

Vì là ca phẫu thuật rất khó nên bước quan trọng nhất là phải kiểm soát được việc chảy máu. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ gây tê toàn bộ diện rộng của của khối u.

Tuy nhiên, những phương pháp cầm máu thông thường sẽ không thể cầm được máu, vì thế chuyên gia thực hiện vừa kết hợp phẫu thuật, vừa khâu vừa tạo hình, đóng lại các vết mổ. Có những mạch máu lớn khó cầm, bác sĩ phải cố gắng cầm máu bằng dao điện đặc biệt, kết hợp việc khâu, buộc thắt mạch máu.

“Chị Thúy trải qua 3 cuộc phẫu thuật lớn, nhiều đau đớn nhưng với động lực về một tương lai tươi sáng hơn cho mình và con gái, cô đã cố gắng hết sức”, bác sĩ nói.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn