Nuôi dưỡng quyết tâm sáng chế máy móc cho người nông dân bớt khổ ngay từ khi còn nhỏ, tốt nghiệp THPT, anh thi vào Đại học Nông lâm TP.HCM ngành cơ khí với mong muốn học hỏi để hiện thực hóa những ấp ủ.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học, anh Phong làm việc tại Nhà máy đường Biên Hòa (Tây Ninh) với vị trí bảo dưỡng thiết bị, máy móc. Sau nhiều năm làm việc, học tập kinh nghiệm, anh cảm thấy ước muốn khi xưa vẫn chưa thực hiện được nên năm 2009, anh thôi việc tại nhà máy đường, về quê mở xưởng cơ khí giúp bà con nông dân.
Ban đầu xưởng cơ khí của anh nhận sửa chữa máy móc tại nhà máy đường, máy móc sản xuất nông nghiệp. Song nhận thấy sự ứng dụng cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn rất hạn chế, hiệu quả sản xuất không cao, anh quyết tâm chế tạo ra một chiếc máy có thể giúp công việc này dễ dàng hơn.
Sau nhiều ngày nghiên cứu, chế tạo miệt mài, chiếc máy tuốt đậu phộng của anh Phong cũng ra đời. Máy giúp tách củ đậu phộng, lá và thân ra riêng biệt. Đậu phộng sau khi tuốt rất sạch, không lẫn lá, rác. Thân và lá được để riêng, có thể tận dụng làm phân bón cho cây.
Máy tuốt đậu phộng do anh Phong chế tạo, dài 4,8m, rộng 2m và cao 6m. Trọng lượng khoảng 800kg, song máy có thể di chuyển dễ dàng vì các bộ phận có thể tháo rời và lắp lại dễ dàng.
Máy có năng suất cao, trong một ngày có thể tuốt được khoảng 6 tấn, tương đương với 40 nhân công. Với những ứng dụng hữu ích đó, đến nay đã có nhiều máy tuốt đậu phộng được bán ra thị trường, giá giao động từ 100 - 120 triệu đồng/chiếc. Những khách hàng của anh Phong không chỉ là người dân trong tỉnh mà còn từ Bình Dương, Bình Phước thậm chí là tận Campuchia.
Không dừng lại ở máy tuốt đậu phộng, anh Phong còn làm dài thêm bộ sưu tập sáng chế của mình bởi những chiếc máy như: Máy làm cỏ mía, máy thổi lá cao su, máy phun thuốc cao su, máy trồng sắn… Hiện tại anh Phong vẫn không ngừng tìm tòi, sáng chế ra những loại máy móc giúp ích cho hoạt động sản xuất của bà con.
Bình luận