• Zalo

Máy bay Malaysia mất tích: Thông tin nhiễu loạn, bí ẩn bao trùm

Thời sựThứ Năm, 13/03/2014 08:38:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sau 5 ngày quyết liệt vào cuộc với sự tham gia của nhiều lực lượng và các phương tiện, chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích vẫn chưa có kết quả, các thông tin ngày một nhiễu loạn.

Phát hiện máy bay mất tích dưới đại dương?
Một người dùng hệ thống mạng Tomnod của công ty DigitalGlobe bất ngờ phát hiện thấy hình ảnh dường như là chiếc máy bay Boeing MH370 mất tích nằm dưới đại dương. Hiện các chuyên gia đang nghiên cứu hình ảnh này.
Với hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, người dùng Mike Seberger đánh dấu hình ảnh ghi nhận dường như có vật thể giống máy bay MH370 đang nằm dưới biển.
DigitalGlobe, một công ty cung cấp hình ảnh vệ tinh ở bang Colorado (Mỹ), cho biết họ đã kích hoạt một hệ thống Internet gọi là Tomnod, cho phép tất cả mọi người có máy tính và Internet truy cập để giúp tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích.
Công ty cho biết để đáp ứng với lưu lượng truy cập chưa từng có, họ dự định sẽ đăng tải một loạt hình ảnh mới của khu vực nơi chiếc máy bay mất tích.
DigitalGlobe kêu gọi tất cả những ai có thể dành thời gian hãy ra soát những hình ảnh chi tiết bề mặt đại dương để tìm manh mối khả dĩ.
Sáng 9/3, người dùng có tên Mike Seberger đã tag một hình ảnh, trong đó xuất hiện vật thể có hình dáng giống một chiếc máy bay đang nằm dưới nước biển. Anh không chắc chắn về vị trí chính xác của hình ảnh nhưng hy vọng rằng sẽ sớm được xác minh.
"Lúc đầu, tôi bỏ qua nó với suy nghĩ rằng không thể tìm thấy cái gì nhanh chóng thế. Nhưng sau đó, tôi di chuyển trở lại và tự nhủ: Nó trông giống như một chiếc máy bay" - Mike Seberger cho CNN hay.
Malaysia "hai lời" về tín hiệu ở Malacca?
Trong khi đó, chính quyền Malaysia ngày 12/3 xác nhận, radar quân đội nước này đã phát hiện một máy bay ở eo biển Malacca vào hồi 2h15 phút sáng 8/3 cách đảo Penang 200 hải lý về phía tây bắc, nhưng không thể khẳng định đó có phải là chiếc Boeing mất tích mang số hiệu MH370 hay không, báo Malaysia Malay Mail Online đưa tin.
Tàu Malaysia tham gia tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích (Ảnh: Getty Images)
Tại cuộc họp báo hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia Rodzali Daud và Tư lệnh Quân đội Malaysia Zulkifeli Mohd Zin nói rằng, các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu dữ liệu để có kết luận rõ ràng.
“Tôi không nói đó là chuyến bay MH370. Chúng tôi vẫn đang làm việc với các chuyên gia”, Tư lệnh Không quân Rodzali nói. Trong số chuyên gia có những người đến từ Mỹ.
Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích
Trung tướng Võ Văn Tuấn khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm khi chưa có thông báo chính thức nào từ phía Malaysia về tín hiệu ở eo Malacca.

Tuy nhiên, 10h30 sáng qua, đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết, phía Malaysia chính thức điện gửi thông tin khẳng định Cục Hàng không Malaysia chưa có nguồn tin chính thức về tín hiệu máy bay mất tích ở eo biển Malacca. Vì vậy phía Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm.
Trung Quốc tìm thấy 3 vật nổi nghi của MH370
Hôm qua, Trung Quốc tuyên bố rằng một trong những vệ tinh của nó đã phát hiện ba vật thể khá lớn nổi trong một vùng biển, nơi nghi ngờ chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines gặp nạn.
Máy bay Malaysia Airlines (Ảnh minh họa)
Cục Quản lý khoa học và công nghệ nhà nước Trung Quốc cho biết, một vệ tinh của Trung Quốc đã nhìn thấy các vật thể trong khu vực "nghi ngờ máy bay rơi xuống biển" từ sáng ngày 9 tháng 3, nhưng những hình ảnh đang được phân tích.
Các vật thể này được tìm thấy tại tọa độ 105,63 kinh độ Đông, 6,7 độ vĩ Bắc, tuyên bố cho biết. Chúng nằm rải rác trên một khu vực có bán kính 20 km, kích thước khoảng 13 x 18 mét, 14 x 19 mét và 24 x 22 mét.
Tuy nhiên, không rõ tại sao đến thời điểm này phía Trung Quốc mới cho công bố phát hiện trên và không rõ quốc gia này đã tiếp cận các vật thể trên hay chưa.
Thêm nhiều quốc gia vào cuộc
Trong ngày 12/3, Malaysia đã mở rộng khu vực tìm kiếm sang Biển Admanda nằm ở phía trên đảo Sumatra, cả ở biển lẫn trên đất liền.
Ông Hussein cho biết khu vực tim kiếm đã được mở rộng trên cả hai khu vực Biển Đông và Eo biển Malacca. Hiện có 42 tàu và 39 máy bay tham gia tìm kiếm trên hai khu vực này và tổng cộng 12 nước tham gia chiến dịch nói trên, gồm Nhật Bản, Brunei, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Mỹ, Thái Lan, Australia và Philippines.
Máy bay vận tải C-130 của Lực lượng Tự vệ Phòng không Nhật Bản tại căn cứ Naha, đảo Okinawa, hôm nay, trước khi lên đường đi trợ giúp cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia. Ảnh: Reuters
Máy bay vận tải C-130 của Lực lượng Tự vệ Phòng không Nhật Bản tại căn cứ Naha, đảo Okinawa, hôm nay, trước khi lên đường đi trợ giúp cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia. Ảnh: Reuters
Điều đáng chú ý, Nhật Bản và Ấn Độ đã phối hợp tìm kiếm với nhau một cách chặt chẽ. Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin, Nhật Bản và Ấn Độ đã liên kết tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines vào ngày thứ năm của hoạt động, phạm vi tìm kiếm bao gồm các khu vực của Việt Nam và biển Andaman.
Nhật Bản đã gửi đi 4 phi cơ vận tải quân sự C-130 và máy bay trinh sát săn ngầm P-3C, còn Ấn Độ kết nối các vệ tinh và cử tàu chiến tham gia tuần tra eo biển Malacca cùng với các đối tác Indonesia và Malaysia.
Chiến dịch tìm kiếm cứu nạn đã gần như trở thành chiến dịch mang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi tất cả các quốc gia trong khu vực đều quan tâm.
Dư luận thế giới đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam
Theo tờ Sài Gòn Giải phóng, dư luận nhiều nước đã đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Tờ “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc ngày 11/3 viết rằng đợt tìm kiếm đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ lực lượng quân đội và Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam.
Việc Việt Nam đồng thời huy động không quân, hải quân và các lực lượng tinh nhuệ khác hợp tác chặt chẽ cùng các bên tham gia tìm kiếm quy mô lớn đã thật sự thể hiện thái độ chân thành và quyết tâm kiên định của Việt Nam trong công tác tìm kiếm cứu nạn, đồng thời là sự thể hiện sinh động tinh thần “một cộng đồng, một vận mệnh”.
Còn theo đài BBC, qua các nỗ lực tìm kiếm, Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ cho quốc tế tinh thần trách nhiệm cao trước một vụ việc mang tính nhân đạo liên quan đến nhiều quốc gia.
Hình ảnh các chuyến bay, chuyến tàu tìm kiếm của lực lượng không quân, hải quân và cảnh sát biển Việt Nam liên tục xuất hiện trên các báo Anh, trong đó nhấn mạnh Việt Nam đã hết sức nỗ lực dù không có công dân Việt Nam nào đi trên chuyến bay mất tích. Cũng qua những nỗ lực đó, Việt Nam đã chứng tỏ là nước chủ nhà ở một vùng biển quan trọng.
Các hãng truyền thông lớn như BBC, CNN liên tục cập nhật thông tin từ truyền hình và trang web từ Việt Nam. Truyền thông Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận các nguồn tin và trở thành nguồn thông tin chính cho các báo quốc tế. Các trang báo trong nước cập nhật và truyền tải rất nhanh các tin liên quan.
Tên một số nhà báo Việt Nam cũng được các hãng thông tấn quốc tế đăng tải. Con số khoảng 70 nhà báo thuộc các hãng thông tấn quốc tế và báo chí khu vực vào Việt Nam đưa tin về vụ việc đã giúp cho tiếng nói của lãnh đạo các cơ quan chức năng Việt Nam lan tỏa ra thế giới ở mức độ nhanh chưa từng có.

Vì sao Malaysia chưa tích cực hợp tác với Việt Nam?

Tuy nhiên, trả lời phóng viên báo Giao thông về đánh giá sự phối hợp của phía Malaysia trong việc cung cấp thông tin quá trình tìm kiếm máy bay MAS370-B772 của Malaysia trong những ngày qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nhận định Malaysia chưa tích cực hợp tác với Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, Malaysia không hề thông báo cho Việt Nam về những thông điệp của tổ bay là “Được rồi, chúc ngủ ngon”, nhưng đó là liên lạc của tổ bay với phía Malaysia trước khi bàn giao kiểm soát để bay vào không phận Việt Nam. Còn vào thời điểm đó ACC Hồ Chí Minh chưa có liên lạc gì với tổ bay MH370 và chưa tiếp nhận kiểm soát máy bay.
Thứ trưởng Bộ GTVT trả lời phỏng vấn báo chí
Thứ trưởng Bộ GTVT trả lời phỏng vấn báo chí
Trước thông tin trước khi mất tích máy bay 2 lần phát tín hiệu báo về vấn đề kỹ thuật, Thứ trưởng khẳng định: “Chúng tôi chưa từng nhận được thông tin chính thức nào từ nhà chức trách Malaysia mà mọi việc là từ báo chí nêu”.
Theo Thứ trưởng, trước mắt phía Việt Nam vẫn gửi văn bản và yêu cầu nhà chức trách Malaysia trả lời bằng văn bản những thông tin liên quan. Còn việc tìm kiếm như thế nào sẽ tùy vào yêu cầu của nước bạn và theo quy định quốc tế về tìm kiếm cứu nạn, tuy nhiên công tác này sẽ hạn chế về phương tiện và phạm vi.
Về câu hỏi những ngày tới nếu vẫn không tìm kiếm được máy bay mất tích thì kế hoạch có thay đổi gì, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết: “Cũng không thể tìm kiếm mãi theo tình hình biệt tăm tích như hiện nay, nếu không có dấu hiệu mới thì một thời điểm nào đó chúng tôi sẽ thống nhất với nhà chức trách để dừng việc tìm kiếm”.
Bình luận
vtcnews.vn