32 năm trôi qua, chiến trường xưa nay đã phủ màu xanh cây trái. Những nếp nhà dân bình dị, hiền hòa. Điện đường trường trạm, đường nông thôn mới, những thung lũng ruộng bậc thang ôm quyện triền đồi… Ngỡ như, nơi này chưa bao giờ có cuộc chiến đi qua.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn có mặt tại Thanh Thủy (Hà Giang) đúng sự kiện khánh thành nhà hương tưởng niệm tại cột mốc 468, tháng 6/2016. Ông là người lính từng tham gia chiến dịch Biên giới tại mặt trận Lạng Sơn.
Bộ trưởng chia sẻ: Những năm tháng chiến đấu là những năm tháng không thể nào quên. Những người lính mang theo tuổi xuân bước vào chiến trận, với một ý chí sắt đá: Bảo vệ vững chắc phên dậu biên thùy.
Hang Dơi năm xưa bây giờ vẫn còn nguyên dấu tích. Từ trụ sở của Đoàn kinh tế 313 (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đóng tại cửa khẩu Thanh Thủy), bước qua chiếc cầu treo bắc qua sông là Hang Dơi. Đài nhang nhỏ bé nhưng nghiêm trang đặt ngay bên cửa hang.
Hang Dơi tuy nhỏ, cửa hang sâu hun hút là nơi trú ẩn của các đơn vị chiến đấu. Ngày nấp trong hang, ban đêm, những toán quân lặng lẽ luồn rừng, vượt núi để đánh du kích, bắn tỉa địch, giành giật từng thước đất, từng điểm cao…
Với địa hình xung quanh là núi non hiểm trở, lại bị chia cắt bởi cây bụi, ngách suối…, quân Trung Quốc chốt giữ hấu hết các điểm cao, hỏa lực từ trên rót xuống càng khiến việc hành quân, tiếp tế lương thảo… cho chiến dịch khó khăn.
Bộ đội ta đã phải dựa vào những hang núi tự nhiên như Hang Dơi, hang Làng Loong, hang Quây, hang Gió, hang Phẫn… để trú ẩn, cứu thương, tập kết, tranh thủ những thời điểm có thể để đào hào, công sự… áp sát tiêu diệt, đẩy lùi địch.
Người ở lại Vị Xuyên
Trong gần một trăm cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 356 ở lại gắn bó với mảnh đất Vị Xuyên (Hà Giang) sau khi chiến dịch kết thúc có ông Hoàng Thế Cương (Phó Ban Tác chiến Sư đoàn 356) và ông Nguyễn Xuân Đệ (Trung đội trưởng, Trung đoàn 149).
Trong tâm thức của hai cựu binh, 12/7/1984 là một ngày khốc liệt.
“Đêm 11 rạng ngày 12/7, trời Hà Giang mưa lâm râm. Đơn vị nhận được lệnh tấn công giành điểm cao, đẩy lùi quân Trung Quốc. Men theo các đường giao thông hào mà quân ta bí mật đào được, hàng trăm chiến sỹ rời vị trí, tiếp cận các tọa độ nằm trong kế hoạch, 772, 468, 685, đồi Cô Ích, điểm cao 233, 400… Việc ém quân được bố trí từ 4h sáng.
Các điểm cao hầu hết địa hình là núi đá, triền núi dựng đứng, đá tai mèo đâm lên tua tủa. Ở những điểm núi đá tai mèo, không đào được công sự, anh em phải lấy bao tải đựng cát rồi phủ lên trên để làm đệm…
Quân Trung Quốc từ các điểm cao nã đạn pháo như trút về quân ta. 600 chiến sỹ thuộc Sư đoàn 356 đã hy sinh chỉ trong ngày hôm đó” - ông Đệ rưng rưng nhớ lại.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn đã không cầm được nước mắt khi ôn lại kỷ niệm cũ với các cựu chiến binh chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. Ông phăm phăm bước qua những hốc đá vào sâu bên trong Hang Dơi - nơi lưu trú của quân ta trong chiến dịch hơn 30 năm trước.
Ông dành nhiều thời gian và tâm huyết, theo dõi sát sao việc xây dựng nhà hương tưởng niệm liệt sỹ tại đây của các cựu chiến binh mặt trận Biên giới.
Sinh năm 1958, quê huyện Yên Thành (Nghệ An), ông Nguyễn Xuân Đệ được điều từ Lạng Sơn lên tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên từ tháng 5/1984. Nhiệm vụ của ông là chỉ huy trung đội làm nhiệm vụ phòng ngự cho mặt trận tại điểm cao 2000 (nay là xã Thống Nhất, huyện Vị Xuyên).
Ông Hoàng Thế Cương (SN 1957, quê huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) - đại đội trưởng Đại đội 6, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356, sau này là Phó Ban Tác chiến của Sư đoàn. Sau cuộc chiến, 2 ông đã ở đây lấy vợ, sinh con, bền bỉ với mảnh đất vùng biên ải mà các ông đã cùng đồng đội chiến đấu gìn giữ bằng máu thịt của mình.
Cuối năm 1989, hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Sư đoàn 356 giải thể. Ông Đệ tham gia công tác tại xã Việt Lâm, phụ trách dân quân tự vệ, rồi công an xã… Ông Cương công tác tại Tỉnh đội Hà Giang, tới năm 1993 thì nghỉ hưu.
Giống như hai ông, gần 100 đồng đội sau cuộc chiến đã ở lại bám trụ, cùng nhân dân xây dựng lại mảnh đất bị chiến tranh cày xới.
"“Sư đoàn 356 giải thể, mỗi người một nơi, mỗi người một công việc. Phần bận bịu lo cho cuộc sống, phần không có phương tiện thông tin liên lạc nên một thời gian dài anh em không có tin tức của nhau. Nhưng, điều mà ai cũng canh cánh trong lòng, đó là hàng ngàn đồng đội đang nằm lại mảnh đất Vị Xuyên này" - ông Cương bùi ngùi.Ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên Hà Giang được thành lập dưới sự nỗ lực của những cá nhân tiên phong như ông Cương, ông Đệ ban đầu được gần chục người. Sau mỗi năm lại được mở rộng thêm, đúng ngày 12/7, anh em đồng đội nhớ ngày giỗ trận của Sư đoàn 356, không hẹn mà cùng gặp tại chiến trường xưa…
Năm 2010, một sự kiện tình cờ như duyên báo trước: Các cựu binh mặt trận Vị Xuyên của tỉnh Yên Bái sang thắp hương cho đồng đội đã gặp các cựu binh của Ban liên lạc Mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang.
Ngày gặp lại sau 26 năm đầy những nỗi niềm. Vậy ra, những người lính chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, ai cũng có chung một niềm canh cánh, tự tìm đến nhau và thành lập các Ban liên lạc tại các tỉnh, thậm chí các huyện…, từ Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang… Một việc làm quan trọng mà các ông quyết tâm hoàn thành, đó là xây dựng một đài hương tưởng niệm cho các đồng đội cũ, để các cựu binh, thân nhân liệt sỹ… cùng đến thắp nén nhang tưởng nhớ trong ngày giỗ trận.
Năm 2012, đài nhang nhỏ bé, đơn sơ được xây dựng trên cao điểm 468 - vị trí đắc địa nằm gần như ở trung tâm, từ đó có thể nhìn sang các điểm cao 772, 685, cao độ 400, 300, 1100, 2000…, nhìn xuống Trung tâm chỉ huy của Sư đoàn.
Và quan trọng nhất, từ cao điểm 468 nhìn sang điểm cao 772 - nơi hàng trăm chiến sỹ Sư đoàn 356 hy sinh trong ngày 12/7/1984 - chỉ cách một tầm mắt.
Hai năm sau, ngày 14/7/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời đại diện các cựu chiến binh tham gia mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang đến gặp mặt tại Phủ Chủ tịch. Cuộc gặp với Chủ tịch nước đã thắp lên trong trái tim những người lính năm xưa nhiều dự định…
Nguồn: Kiên Trung (Vietnamnet)
Bình luận