Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều bạn sinh viên không kịp về quê nên “mắc kẹt” tại phòng trọ, ký túc xá trong hơn 2 tháng qua. Tuy phải ăn mì tôm cho qua bữa và xoay sở các khoản phí sinh hoạt nhưng nhiều bạn vẫn đăng ký tình nguyện, góp sức giúp thành phố dập dịch.
Tình nguyện chống dịch
Thủ đô “đóng cửa” hơn hai tháng, Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 2000), sinh viên ngành Công tác xã hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mất nguồn thu nhập từ công việc làm thêm, cuộc sống trở nên khó khăn hơn và phải nhờ tới sự hỗ trợ từ gia đình.
Tuy nhiên, Sơn luôn lạc quan và cho rằng, còn nhiều người khổ hơn mình, thay vì nằm nhà chờ đợi sự giúp đỡ từ xã hội thì có thể tranh thủ lúc chưa phải đến trường sẽ giành thời gian tham gia các hoạt động xã hội.
Nam sinh gốc Thái Nguyên quyết định đăng ký tham gia tình nguyện. Hàng ngày, ngoài giờ học online buổi sáng, Sơn hỗ trợ bộ phận y tế của phường tiêm vaccine cho người dân, phát cơm cho những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác cũng bị kẹt tại Hà Nội, phát quà cho người vô gia cư.
Có những ngày đi tình nguyện đến 2 – 3h sáng mới về tới phòng trọ, Sơn mệt lả. Để không ảnh hưởng đến việc học, Sơn luôn lên thời gian biểu chi tiết hàng tuần, hàng ngày để vừa học, vừa tham gia tình nguyện mà vẫn duy trì tốt sức khoẻ.
“Bình thường một tháng em về quê một đến hai lần, đây là lần đầu tiên em không về quê lâ đến vậy. Bố mẹ rất lo lắng khi em bị kẹt lại giữa mùa dịch và nỗi lo lắng đó nhân lên gấp nhiều lần khi biết em tham gia hoạt động tình nguyện. Thấy vậy, em càng phải động viên bản thân cố gắng nỗ lực nhiều hơn, vừa đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và cho người xung quanh trong đợt dịch này”, Sơn chia sẻ.
Nam sinh cho rằng, được tình nguyện trong đợt dịch là những kỷ niệm, kinh nghiệm đáng quý, không phải bạn sinh viên nào cũng có được. Do đó, cậu luôn coi đây là trải nghiệm mới, cơ hội để học hỏi và thực hành những kỹ năng được thầy cô dạy khi theo học ngành Công tác xã hội.
Bán hàng online tăng thu nhập
Để thích nghi và không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, Phan Bình Chương, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tìm đến công việc bán hàng online với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, Chương mất 1,5 triệu đồng đóng tiền nhà, số còn lại dành chi tiêu ăn uống cho cả tháng. Bữa ăn của Chương cũng đơn giản dần trong mùa dịch, thi thoảng sẽ ăn cá thịt, bữa nào hết thức ăn sẽ ăn tạm mì gói, cháo gói, bánh mì.
Tuy lương không cao nhưng Chương vẫn đủ để chi tiêu mà không phải gọi điện cho bố mẹ xin trợ cấp. Nam sinh gốc Hà Tĩnh cảm thấy bản thân vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn khác không tìm được việc làm thêm mùa dịch.
Để bố mẹ an tâm, ngày nào Chương cũng gọi điện về “báo cáo” tình hình học tập, ăn ở, sinh hoạt tại Hà Nội. Nhiều hôm cuối tháng, nhiều ngày liền ăn mì tôm nhưng phải dấu, không dám nói để bố mẹ ở quê không lo lắng.
Trải qua thời gian nghỉ dịch, em học hỏi được nhiều điều, biết quý trọng đồng tiền, tiết kiệm chi tiêu và học được cách quản lý tài chính cho bản thân. Hi vọng dịch bệnh sớm kết thúc để sinh viên tới trường trở lại và em được về quê thăm bố mẹ.
Nhờ trợ cấp từ xa
Không may mắn như Bình Chương, nhiều bạn sinh viên không tìm được việc làm online, phải nhờ đến sự trợ cấp từ xa từ gia đình. Ngô Thị Huyền (sinh năm 2000), sinh viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Đại học FPT là trường hợp như vậy. Trong khi chờ ngày đi học trở lại, Huyền tích cực tham gia học online và tham gia câu lạc bộ ở trường.
Tương tự Vũ Thị Thành (sinh năm 1998), sinh viên năm cuối ngành Kế toán, Cao đẳng Du lịch Hà Nội cũng bị kẹt lại ở Hà Nội và không đi làm được.
"Em ở Hà Nội một mình nên ăn uống tiết kiệm, đôi khi ăn mì tôm cũng xong bữa. Không bị tiêu cực quá nhiều, em tranh thủ thời gian rảnh làm đề cương và ôn tập để chuẩn bị tốt nghiệp. Em xem đây là khoảng thời gian để bản thân rèn luyện, học thêm kiến thức, nhìn lại những điểm hạn chế để tự cải thiện chính mình”, nữ sinh chia sẻ.
Bình luận