Tháng 2 đầu năm nay, tạp chí thể thao nổi tiếng FourFourTwo cho ra mắt bộ phim tài liệu mang tên "Thủ môn - vị trí cô đơn nhất trong môn thể thao Vua" để khán giả hiểu được phần nào tâm trạng của những người trấn giữ vị trí nguy hiểm nhất thế giới bóng đá.
Với thủ môn, mọi sai lầm hầu như không thể cứu vãn. Mỗi lần thủng lưới, sau lưng thủ môn chỉ là khung thành khổng lồ và đám đông cuồng nộ. Áp lực đó đòi hỏi người gác đền phải có tâm lý vững vàng, nếu không muốn trở thành trò hề của giới mộ điệu. Sai lầm của Bùi Tiến Dũng đáng thương hay đáng trách, vì thế, còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi khán giả.
Mọi thủ môn đều từng mắc sai lầm
Không phải thủ môn nào mắc sai lầm cũng trở thành thủ môn giỏi, nhưng mọi thủ môn giỏi trên thế giới đều từng mắc sai lầm. Lỗi của thủ môn hầu hết đều dẫn đến bàn thua theo cách bẽ mặt, song phải có những trải nghiệm khủng khiếp như thế, bản lĩnh của "người gác đền" mới được tôi luyện.
Casillas trải qua những năm tháng cuối đáng quên cùng Real Madrid. World Cup 2014, thủ thành người Tây Ban Nha chuyền bóng thẳng vào chân Robin van Persie, biếu không cho đối thủ bàn thắng trong thảm bại 1-5 của đội nhà trước Hà Lan. Courtois bị Lionel Messi biến thành "trò hề" với hai lần xỏ kim trong một trận đấu. Neuer khiến pha băng ra khỏi vòng cấm phá bóng của mình (sau đó đã thành thương hiệu) trở thành ác mộng khi bị Dejan Stankovic trừng phạt với cú sút xa. Những năm đầu của De Gea ở Ngoại hạng Anh chỉ được nhớ tới với những pha xử lý lóng ngóng.
Gần đây nhất, Loris Karius trải qua khủng hoảng nặng nề với hai sai lầm trong trận chung kết Champions League của Liverpool. Nói vậy để thấy, sai lầm của thủ môn không phải câu chuyện hiếm gặp. Thủ môn ít mắc sai lầm hơn các vị trí khác đơn giản vì ít có cơ hội tiếp xúc và xử lý bóng hơn. Khi áp lực ập đến, mọi cầu thủ đều có nguy cơ tai nạn.
Vấn đề của thủ môn không phải từng mắc sai lầm khủng khiếp thế nào, mà là cách họ vượt qua nó để trưởng thành hơn ra sao.
Trong buổi ra mắt vị trí Cố vấn tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, Paul Scholes từng khẳng định: "Độ tuổi lý tưởng nhất để đánh giá khả năng phát triển của một cầu thủ là 25". Trước 25 tuổi, mọi đánh giá chỉ mang tính tham khảo. Đối với thủ môn, "độ chín" còn trễ hơn thế. Nhiều thủ môn chỉ tỏa sáng sau khi bước qua độ tuổi 30 như trường hợp của Edwin van der Sar ở Manchester United. Người gác đền giống như rượu vang, càng ủ lâu càng ngon, thay vì vội vã thưởng thức để đổi lấy hương vị nhàn nhạt.
Bùi Tiến Dũng đã đủ trưởng thành?
Chắc chắn là chưa. 21 tuổi không phải độ tuổi lý tưởng để thủ môn tích lũy đủ kinh nghiệm. Ở tuổi 21, De Gea ký hợp đồng chuyên nghiệp với Manchester United và mắc sai lầm ngay trong trận ra mắt với West Brom, dẫu trước đó từng có quãng thời gian bắt chính cho Atletico Madrid.
Tiến Dũng từng có cơ hội thể hiện ở vòng chung kết U20 World Cup, trấn giữ khung thành trọn vẹn 13 trận đấu ở vòng chung kết U23 châu Á và ASIAD, song nên nhớ: thành tích của Dũng, dẫu mang tính quốc tế, cũng chỉ trên địa hạt bóng đá trẻ - nơi các cầu thủ chơi bóng với tư duy đơn thuần cởi mở. V-League mang đến trải nghiệm rất khác khi các cầu thủ trưởng thành có đầy đủ mánh khóe và chơi bóng với kinh nghiệm nhiều hơn sức lực.
Xét trên khía cạnh trải nghiệm, Tiến Dũng ở V-League vẫn là thủ môn non kém nhất trong tổng số 14 người gác đền bắt chính ở các đội bóng dự giải. Thủ môn sinh ra ở Ngọc Lặc ra sân 13 trận ở V-League mùa này và luôn vấp phải sự cạnh tranh với hai người đàn anh là Thanh Thắng và Bửu Ngọc. So với Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Đức Huy,... sát cánh cùng nhau nhiều năm ở CLB Hà Nội và nhận được sự chỉ bảo của các đàn anh, Tiến Dũng cô đơn và phải tự thân vận động nhiều hơn. "U23 và Olympic đôi khi thân thuộc với Tiến Dũng hơn cả CLB" - BLV Quang Huy nhận định.
Học sinh có thành tích quốc tế chưa chắc đã học tốt chương trình trong nước, khi bản thân hai chương trình có nhiều sự khác biệt. Tiến Dũng phải trau dồi thêm nữa, mà sai lầm hôm qua là sẽ mang đến bài học lớn. Cái giá đổi lại bằng danh hiệu quốc nội của FLC Thanh Hóa thực sự đắt.
Điểm yếu tâm lý và hạn chế ra vào
Tất nhiên, phải nhìn nhận thực tế: Tiến Dũng còn rất nhiều hạn chế. Hai năm qua, người gác đến sinh năm 1997 đã mắc tới năm sai lầm nghiêm trọng và hầu hết trong số đó đều đến từ kỹ năng ra vào.
Tiến Dũng ưa thích lối chơi băng ra bắt bài đối thủ khi khả năng phán đoán chưa đủ độ chín. Ít nhất hai lần ở giải U23 châu Á, Tiến Dũng xử lý hỏng khi lao ra bắt bóng, nhưng may mắn không bị đối phương trừng phạt. Tình huống đấm hụt bóng trước U22 Hàn Quốc, phán đoán sai trước U21 PVF hay đổ người chậm trước đối thủ đến từ Malaysia ở AFC Cup cho thấy điểm yếu cần phải hoàn thiện.
Mắc từng ấy sai lầm ở vị trí thủ môn trong thời gian ngắn là con số đáng báo động. Cần nhớ, Phí Minh Long chỉ cần hai sai lầm ở SEA Games 29 để trở thành "tội đồ". Nếu giới chuyên môn đặt dấu hỏi về khả năng của Tiến Dũng, đó cũng không phải điều gì oan uổng.
O bế hay bào chữa cho sai lầm đôi khi còn tồi tệ hơn mắc sai lầm.
Đáng thương hay đáng trách?
Tiến Dũng hay những người hâm mộ của thủ môn này không nên đổ lỗi cho những chỉ trích, bởi đó là một phần của bóng đá. Danh vọng cho Tiến Dũng những bản hợp đồng quảng cáo tiền tỉ hay cơ hội bước lên sân khấu sánh vai với những ngôi sao hạng A, thì danh vọng cũng có thể khiến thủ môn sinh năm 1997 "ngậm cay nuốt đắng" mỗi khi vấp ngã. Đó là hai mặt của sự nổi tiếng, mà không ai ép ai phải nổi tiếng bao giờ.
Chỉ có điều, những chỉ trích, nếu có, cần mang tính xây dựng và khách quan, thay vì mang tính công kích, vùi dập vô lý. Nhiều người cho rằng Tiến Dũng thiếu chuyên nghiệp trong tập luyện và chỉ lo "chạy sô" thì nên nhớ: cựu HLV Marian Mihail của FLC Thanh Hóa từng ca ngợi ý chí và nỗ lực tập luyện của của thủ môn này. HLV Park Hang Seo hay Nguyễn Đức Thắng chưa bao giờ phàn nàn vì Tiến Dũng bỏ tập luyện hay có thái độ chểnh mảng.
Nếu thủ môn của U23 Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, HLV Đức Thắng sẽ không bao giờ tạo điều kiện để Tiến Dũng bắt những trận cuối (trong giai đoạn FLC Thanh Hóa chạy đua danh hiệu Á quân V-League) và ra sân ở chung kết cúp Quốc gia. HLV Park Hang Seo cũng sẽ không ưu ái gọi học trò lên tuyển, dù có thương yêu đến mấy.
Tiến Dũng có xứng đáng bị chỉ trích không, và đáng thương hay đáng trách hơn sau những lỗi lầm mắc phải? Điều ấy tùy vào điểm nhìn của mỗi cá nhân. Chỉ có một điều không đổi: Tiến Dũng còn phải cố gắng và nỗ lực gấp ba, bốn lần. Môi trường bóng đá chuyên nghiệp vô cùng khắc nghiệt và cơ hội sửa chữa sai lầm như trận hôm qua sẽ không có nhiều.
Bình luận