Kỳ 3 (kỳ cuối): Ly kỳ chuyện hai “cá thần” cùng lụy
Người nắm rõ chuyện nhất về hai cá voi khổng lồ là cụ Phạm Đình Chiêm, 81 tuổi, là thủ từ trông nom, hương khói Lăng Ông Nam Hải, ở Cồn Bửng (Thạnh Hải, Thạnh Phú, Bến Tre). Ngày nào cũng vậy, mặt trời nhô lên khỏi biển, là ông thức dậy quét dọn, nhặt lá, mở cửa, để chờ những ngư dân trong vùng vào lăng hương khói, cầu khấn Ông ủng hộ cho chuyến ra khơi êm ả, được cá tôm.
Ông Chiêm sinh ra và lớn lên ở Cồn Bửng, đời bố, rồi trước đó là ông nội cũng ở đất Thạnh Hải nên ông nắm rất nhiều chuyện về hai Cá Ông khổng lồ, mà mọi người coi là vị thần biển cả.
Theo lời ông Chiêm, khi còn nhỏ xíu, ông đã được nghe ông nội kể nhiều chuyện về cặp Cá Ông khổng lồ ở ngoài biển Cồn Bửng. Hai Ông Cá này được người dân không chỉ vùng Thạnh Phú, mà cả vùng Bến Tre này coi như Nam Hải Đại Vương, coi như là hai ông Thần ngự ngoài biển cả, bảo hộ cuộc sống người dân.
Ở vùng biển này, thi thoảng lại xuất hiện cá voi, nhưng chỉ là những con cá voi nhỏ, nặng vài tấn là cùng, duy có hai Ông Cá này là khổng lồ nhất, và thường đi cùng nhau.
Điều lạ lùng, là như có giác quan đặc biệt, hoặc sự tiên tri, mà hễ ở đâu có tai nạn biển cả, là hai ông cá này có mặt. Có những lúc, tai nạn xảy ra ở hai nơi, thì hai ông có mặt ở hai nơi cách nhau vài chục hải lý, để cứu người. Đặc biệt ở vùng biển Cửa Đại (Ba Tri), rất nhiều tàu bè bị đắm, vỡ, và có rất nhiều ngư dân được hai Ông xuất hiện kịp thời cứu mạng.
Chính vì lẽ đó, mà trước đây, dù không có bộ xương nào, không có lăng mộ, nhưng dọc vùng Bến Tre, đâu đâu cũng có Lăng Ông. Người dân mỗi ấp ven biển đều lập một ngôi miếu nhỏ, đơn sơ, với bát nhang, để thờ Cá Ông. Mỗi khi xuất hành ra biển, họ đều đến lăng cầu khấn. Khi được cá tôm nhiều, cũng đến lăng lễ tạ Ông. Ở vùng Thạnh Phú, còn có cả một thầy tế, chuyên làm các lễ cúng liên quan đến Cá Ông.
Ngày trước, lễ hội Nghinh Ông diễn ra rất lớn và cầu kỳ. Hàng ngàn người mang lễ vật ra biển, chiêng la trống dồn, cúng bái cả buổi để kêu ông. Điều kỳ lạ, là lần nào kêu, hai Ông Cá khổng lồ cũng xuất hiện. Chỉ khi nào, từ phía ngoài biển, thấy hai Cá Ông nhô lên một khối đen sì, sau đó là những cột nước phun lên đẹp mắt, thì lễ rước ông mới xong, mọi người mới quay về làm lễ ở lăng Ông. Giờ, hai Ông Cá đã qua đời, nên người ta chỉ ra biển kiều hồn ông về mà thôi.
Theo lời ông Chiêm, hồi Đoàn tàu Không số cập bến, chuyển vũ khí vào Cồn Bửng, thì nơi đây xảy ra chiến sự ác liệt. Giặc Mỹ đã lập một đồn bốt ở đây, nhằm phát hiện tàu lạ từ ngoài Bắc vào. Rất nhiều cuộc đấu súng, ném bom đã diễn ra ở đây. Nhiều tàu bị đắm, nhiều bộ đội được Cá Ông cứu mạng. Cũng có nhiều xác chiến sĩ cách mạng được hai Ông Cá dìu vào bờ.
Có một điều lạ lùng, là trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông nội của ông Chiêm kéo cậu cháu đến bên bảo: “Ông đi với Đức Ông Nam Hải đây. Sau này lớn lên, cháu sẽ lo hương khói thờ cúng Đức Ông nhé. Ông vùng vẫy ở khắp vùng biển rộng, nhưng Ông sẽ lụy ở đây. Khi nào ông lụy, cháu cùng nhân dân phải giữ bằng được ông ở Cồn Bửng”.
Điều rất đặc biệt, là cả trăm năm qua, hai Ông Cá này luôn sát cánh cùng nhau ngoài biển cả, và khi chết thì cùng thời điểm rất gần nhau. Ông Cá thứ nhất dạt vào bờ Cồn Bửng ngày 15/1/2004 âm lịch và Ông Cá thứ 2 trôi vào bờ ngày 28/2/2004 âm lịch, sau hơn một tháng.
Ông Cá thứ nhất trôi vào bờ thì đã thối rã rất nhiều, chỉ còn lại bộ xương sống và hàm trên. Toàn bộ phần bụng, đuôi, hàm dưới bị rụng mất. Theo tính toán của các chuyên gia thủy hải sản, thì ông cá này nặng tới 57 tấn.
Khi người dân vừa róc xong xương Ông Cá thứ nhất, thì Cá Ông thứ 2 trôi vào Cồn Bửng, cách chỗ Ông Cá thứ nhất dạt vào 300m. Ông Cá thứ 2 phân hủy ít hơn Ông Cá thứ nhất, nhưng cũng đã bị rụng mất cả cái đầu. Tính toán theo các số đo xương sống, xương sườn, thì ông cá này nặng tới 78 tấn, dài 22m.
Nghe lời ông nội dặn dò, ông Chiêm hô hào nhân dân cùng trông giữ xác hai Ông Cá. Người dân dùng cọc lớn đóng xung quanh, giữ xác Cá Ông ở ven bờ, rồi thuê người róc lấy xương.
Chuyện xảy ra 13 năm trước, ông Chiêm vẫn nhớ như in những ngày Cồn Bửng như dậy sóng. Người dân Cồn Bửng đau thương khóc than. Thậm chí, nhiều người còn đeo khăn tang khóc lóc tiễn đưa ông. Hàng vạn người dân từ khắp miền Tây, từ mãi Sài Gòn kéo xuống Cồn Bửng để chiêm ngưỡng cá ông. Cồn Bửng như có đại tang. Người dân còn bày trò mê tín, lấy mỡ ông bôi lên người để cầu sức khỏe, may mắn. Điều lạ, là xác ông phân hủy, nhưng lại chẳng có mùi ghê sợ như những loài vật khác, nên người dân kéo đến bên xác Cá Ông mà chẳng sợ sệt gì.
Sau khi róc sạch thịt khỏi xương Cá Ông, thì người dân đem phơi nắng cho xương khô, sạch sẽ, rồi đặt hai bộ xương vào một cái lều.
Chẳng hiểu lời đồn ở đâu ra, mà người dân tứ xứ rùng rùng kéo đến Cồn Bửng nhờ Ông Cá... chữa bệnh. Người ta đồn rằng, cứ lấy răng của Cá Ông ngâm vào bát nước, sau đó lấy nước đó uống là khỏi bách bệnh. Chẳng biết sự thật có phải thế không, nhưng người ta cứ mổ heo bê đến làm lễ tạ, và khẳng định đã khỏi bệnh. Thậm chí, có một bà ở mãi Bến Tre, vài hôm lại xuống mượn răng Ông để chữa bệnh. Sau, bà này thó mất một cái răng, nên giờ chỉ còn 10 cái.
Có một chuyện mà cụ Phạm Đình Chiêm cũng không lý giải được, đó là có thời gian, người dân khắp vùng rộ lên tin đồn mài xương Cá Ông pha nước uống như kiểu mài sừng tê giác, chữa được bách bệnh. Không hiểu tin đồn ở đâu ra, nhưng người dân khắp nơi đổ về, thậm chí từ mãi TP.HCM xuống đẽo mẩu xương để đem về mài ra uống nước.
Người dân ở Cồn Bửng không tin vào chuyện uống bột xương Cá Ông khỏi bệnh, nhưng lạ lùng ở chỗ rất nhiều người mang lễ đến dâng Ông, kể lại với cụ Chiêm rằng khi họ mài xương uống thì nhiều bệnh tan biến. Lo sợ cảnh người ta kéo đến đẽo hết xương Cá Ông, nên vào năm 2010, người dân Cồn Bửng góp tiền xây dựng ngôi miếu nhỏ, làm chiếc bể thủy tinh, đặt cốt hai Ông Cá vào trong đó, khóa lại, không cho ai đục xương Ông nữa.
Cụ Phạm Đình Chiêm thắp nhang trên ban thờ Ông Nam Hải, đưa nhang cho chúng tôi khấn vái, rồi cụ mở cửa sổ cho ánh nắng tràn vào hậu cung, dẫn chúng tôi chiêm ngưỡng bộ cốt.
Tôi thực sự choáng ngợp, khi tận mắt bộ cốt khổng lồ, như thể của loài khủng long thời tiền sử. Cá Ông lớn không còn xương đầu, xương hàm, nhưng vẫn còn những chiếc rẻ sườn dài ngoằng, to như ống bương. Đặc biệt, những cục xương sống rất lớn, như cục bê tông, có đường kính dễ đến nửa mét.
Ở phía bên kia hậu cung, là bộ cốt của Cá Ông nhỏ hơn. Bột cốt này chỉ còn lại những cục xương sống, và ít rẻ sườn nhỏ.
Theo cụ Nguyễn Đình Chiêm, từ ngày thờ cúng Ông, thời tiết thuận hòa, nước ngọt xuất hiện, mùa màng bội thu, đời sống dân cư cải thiện rõ rệt. Không chỉ người dân Cồn Bửng, mà cư dân nơi khác cũng có niềm tin lớn vào Ông. Nhiều người từ mãi TP.HCM cũng về đây thờ cúng, cầu tự, thi cử học hành, làm ăn tấn tới.
Niềm vui lớn nhất đến với người dân Cồn Bửng, là ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 10/2 dương lịch), Dự án Lăng Ông Nam Hải trị giá 30 tỷ đồng sẽ khởi công xây dựng thờ 2 Ông Cá và là nơi sinh hoạt tâm linh cho người dân trong vùng. Từ hôm đó, cũng diễn ra lễ hội kéo dài 5 ngày, với rất nhiều hoạt động thú vị, đặc biệt là lễ Nghinh Ông truyền thống từ nhiều năm nay. Hai bộ xương Cá Ông cũng sẽ được phục dựng để người dân cả nước đến chiêm bái.
Lăng Ông Nam Hải tại Cồn Bửng, cùng với khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đoàn tàu Không số, sẽ là điểm đến tâm linh không chỉ của người dân Bến Tre, mà còn của người dân khắp vùng miền Tây rộng lớn.
Kỳ 1:Những chuyện kỳ bí về hai ông cá thần khổng lồ ở cửa sông Cửu Long
Kỳ 2: Người róc xương cá khổng lồ và những linh ứng kỳ lạ
Phạm Ngọc Dương
Bình luận