Cụ thể, trong tài liệu nộp lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong ngày 26/2, China Renaissance khẳng định hội đồng quản trị đã nhận được tin CEO Bao Fan đang “hợp tác với một cơ quan chính phủ trong một vụ điều tra”.
Tuy nhiên, ngân hàng không tiết lộ cụ thể vị trí hiện tại của vị CEO cũng như cơ quan mà ông đang hợp tác. Báo giới trong nước cho biết rất có thể ông đã bị triệu tập để điều tra vụ án liên quan đến một cựu giám đốc tại China Renaissance.
Trong tài liệu gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong, China Renaissance cũng khẳng định ngân hàng vẫn sẽ hoạt động bình thường và không bị ảnh hưởng bởi sự vắng mặt của ông Bao. “Hội đồng quản trị nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh và vận hành của China Renaissance vẫn diễn ra bình thường”, trích trong tài liệu nộp hôm 26/2.
Theo SCMP, tuyên bố mới nhất của China Renaissance đã chứng thực tin đồn xoay quanh việc Bao Fang, nhân vật quan trọng hàng đầu trong ngành công nghệ và tài chính Trung Quốc, bị chính quyền triệu tập để điều tra.
Ông là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành một trong những ngân hàng đầu tư công nghệ hàng đầu nước này. Bao Fang thành lập China Renaissance vào năm 2005 và trở thành nhân vật có tiếng tăm nhờ từng làm trung gian cho các thương vụ mua bán và sáp nhập phức tạp, bao gồm cả những thương vụ dẫn tới sự hình thành của hãng gọi xe công nghệ Didi Global hay Meituan.
Trước đó, trong văn bản gửi lên Sở giao dịch Chứng khoán Hong Kong vào tối 16/2, China Renaissance cho biết “công ty đã không thể liên lạc với ông Bao Fan - cổ đông kiểm soát, Chủ tịch kiêm CEO của nhà băng”.
Tổ chức này cũng không nhận được bất kỳ thông báo hoặc thông tin nào về việc ông sẽ tạm thời vắng mặt trong các công việc của tập đoàn, Financial Times đưa tin. Giá cổ phiếu của nhà băng này đã bốc hơi 50% ngay sáng hôm sau thông tin này được công bố.
Theo New York Times, sự biến mất khó hiểu của tỷ phú Bao đã dấy lên quan ngại về một cuộc điều tra hoặc đợt chấn chỉnh mới đối với lĩnh vực công nghệ và tài chính của Trung Quốc.
Trong 2 năm qua, chính phủ Trung Quốc liên tục thắt chặt các quy định nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp từ công ty công nghệ đến bất động sản, hay cả trò chơi điện tử.
Nhà sáng lập tập đoàn Alibaba Jack Ma từng không xuất hiện công khai suốt 2 tháng sau khi chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc. Tại hội nghị Thượng Hải hồi tháng 10/2020, ông đã gọi các ngân hàng Trung Quốc là những "tiệm cầm đồ" và Hiệp định Ngân hàng toàn cầu Basel là “câu lạc bộ dành cho người già”.
Không lâu sau đó, Jack Ma được mời lên làm việc với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và lánh mặt truyền thông suốt một thời gian dài. Trước tin đồn "Jack Ma mất tích", CNBC khẳng định ông chủ Ant Group thực tế chỉ "ở ẩn" - có thể tại Hàng Châu - để tránh gây thêm điều tiếng.
Bình luận