Liên Xô cũ trước đây là một trong những cường quốc nổi bật về công nghiệp hàng hải trên thế giới. Tuy nhiên, trong suốt 74 năm tồn tại, Liên Xô chưa bao giờ trang bị cho mình một tàu sân bay thực sự đúng tầm vóc của một cường quốc.
Sau cách mạng Tháng Mười năm 1917, Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đẩy mạnh ưu tiên phát triển khoa học và kỹ thuật trong nỗ lực hiện đại hóa đất nước. Quân đội cũng không phải ngoại lệ, các quốc gia này đã dồn nguồn lực vào công nghệ tiên tiến lúc bấy giờ như xe tăng, máy bay và cả tàu chiến.
Những kế hoạch dang dở
Dưới thời Joseph Stalin, Liên Xô đã đưa ra một số dự án phát triển tàu sân bay. Đầu tiên phải kể đến tàu Izmail. Theo đó, năm 1927, ban lãnh đạo Liên Xô đã phê duyệt kế hoạch đóng tàu sân bay bằng cách chuyển đổi tàu chiến - tuần dương hạm Izmail (khởi đóng từ năm 1913) vốn chưa hoàn thành của Hải quân đế quốc Nga trước đó thành tàu sân bay.
Theo kế hoạch, nếu được hoàn thành, tàu sân bay Izmail sẽ có lượng choán nước 35.000 tấn, có lượng rẽ nước tương tự với các tàu sân bay chiến đấu lớp Lexington lúc bấy giờ của hải quân Mỹ. Tàu Izmail có thể chứa đến 78 máy bay. Song, việc chuyển đổi Izmail không bao giờ được hoàn thành và con tàu cuối cùng bị loại bỏ.
Trong khi ý tưởng phát triển tàu sân bay của Liên Xô được nhiều người ủng hộ, thì Nguyên soái Mikhail Tukhachevsky cho rằng Liên Xô không đủ khả năng để xây dựng tàu sân bay lớn như vậy. Tướng Tukhachevsky đã có lý khi Liên Xô chấp nhận “lùi bước” về hải quân để đầu tư phát triển cho Lục quân và Không quân nước này.
Sau một thời gian dài trì hoãn, cuối những năm 1930, Liên Xô tiếp tục đã đặt nền móng cho việc chế tạo, phát triển một cặp tàu sân bay mới với cái tên là “Đề án 71". Thiết kế của lớp tàu sân bay này được ra đời dựa trên sự kế thừa, cải tiến từ tàu tuần dương lớp Chapaev - lượng choán nước 13.000 tấn và có sàn đáp dài 192m.
Mỗi tàu sân bay Đề án 71 sẽ mang theo 15 máy bay chiến đấu và 30 máy bay ném ngư lôi, trong đó một chiếc được phân bổ cho Hạm đội Baltic và một chiếc được phân bổ cho Hạm đội Thái Bình Dương.
Theo dự kiến, các tàu sân bay này sẽ hạ thủy vào năm 1939. Thế nhưng, dự định này không bao giờ hoàn thành, quá trình xây dựng bị gián đoạn khi Thế chiến thứ 2 nổ ra. Chưa dừng lại ở đó, dự án chế tạo tàu sân bay có lượng choán nước hơn 22.000 tấn được lên kế hoạch được các tướng lĩnh Liên Xô ấp ủ trước đó cũng bị đình chỉ.
Vào giữa những năm 1940, khi Thế chiến thứ 2 đang trong giai đoạn căng thẳng, Liên Xô tiếp tục đưa ra một dự án tàu sân bay khác với tên gọi "Đề án 72" được mô tả là dự án tương tự như Đề án 71 nhưng với trọng lượng choán nước lên đến 30.000 tấn. Tuy nhiên, cả Đề án 71 cũng như Đề án 72 đều không thể hoàn thành và chỉ tồn tại trên giấy.
Sau chiến tranh, Liên Xô đưa ra một thiết kế tàu sân bay khác có tên “Đề án Kostromitinov” với mục tiêu tương tự như Đề án 72, nó có lượng choán nước 40.000 tấn và có thể mang theo 66 máy bay. Dù Moskva rất quyết tâm cho kế hoạch đóng tàu sân bay lần này nhưng Kostromitinov vẫn không thể vượt qua khỏi cánh cửa phòng thiết kế.
Việc các dự án chế tạo tàu sân bay của Liên Xô liên tiếp thất bại hoàn toàn có thể hiểu đi khi nước này ưu tiên nguồn lực vào phát triển Lục quân và Không quân, trước cũng như sau Thế chiến thứ 2. Việc xây dựng cũng như vận hành một tàu sân bay cỡ lớn sẽ tạo thêm gánh nặng về ngân sách, trong khi quân đội Liên Xô không có lợi thế khi tác chiến trên biển.
Giấc mơ tàu sân bay của Liên Xô
Cùng với việc dần kiểu soát phần lớn lục địa châu Âu - châu Á sau chiến tranh, hải quân Liên Xô bắt đầu được Moskva quan tâm trở lại, cùng với đó là kế hoạch đầu tư, chế tạo tàu sân bay. Bộ tham mưu hải quân Liên Xô thậm chí còn đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng sở hữu 15 tàu sân bay để biên chế cho các hạm đội Thái Bình Dương và hạm đội phương Bắc.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Stalin không muốn đầu tư quá nhiều vào tàu sân bay, ông đặt niềm tin vào thiết giáp hạm và tuần dương hạm. Các quan chức ngành công nghiệp hàng hải Liên Xô cũng ủng hộ quan điểm này của Stalin, họ luôn lập luận rằng Liên Xô chưa có đủ năng lực để đóng các loại tàu sân bay tiên tiến.
Nikita Khrushchev kế nhiệm Stalin vào năm 1953. Bất chấp những ý tưởng mới của Khrushchev, hải quân Liên Xô cũng chỉ có thể đóng được một tàu sân bay hạng nhẹ duy nhất. Trong khi “Đề án 85” về phát triển tàu sân bay có lượng choán nước 28.000 tấn có thể mang theo 40 máy bay chiến đấu MiG-19 đã bị hủy bỏ trước khi kịp triển khai.
Đến năm 1962, Liên Xô bất ngờ cho khởi đóng 2 tàu sân bay tại nhà máy đóng tàu Nikolayev ở Ukraine. Theo đó, tàu sân bay mang trực thăng lớp Moskva được đưa vào chế tạo, với nửa phía trước trông như một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường thông thường và nửa phía sau gồm một sàn đáp và nhà chứa máy bay.
Các tàu lớp Moskva không hoạt động như một tàu sân bay đúng nghĩa nó được thiết kế để săn tàu ngầm mang theo tên lửa đạn đạo của Mỹ và Anh hoạt động gần vùng biển Liên Xô. Tàu Moskva có thể mang theo 10 trực thăng tác chiến chống tàu ngầm nhưng thiếu vũ khí trang bị tấn công.
Tàu sân bay lớp Moskva tiếp tục được cải tiến vào những năm 1970 và 1980, cùng với đó là việc Liên Xô cho đóng các tàu sân bay lớp Kiev. Về cơ bản Kiev không hoàn toàn là một tàu sân bay khi nó chỉ có thể mang theo một số ít chiến đấu cơ, phần còn lại của con tàu được trang bị các tên lửa chống hạm tầm xa SS-N-12 Sandbox có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân.
Bốn chiếc thuộc lớp Kiev may mắn được chế tạo, chiếc thứ 5 đang đóng dang dở thì bị hủy bỏ, tuy nhiên lớp Kiev không làm thỏa mãn được mục tiêu sở hữu tàu sân bay của hải quân Liên Xô vào cuối Chiến tranh Lạnh. Ở thời điểm đó, hải quân Mỹ vươn lên tầm cao mới khi họ trang bị tên lửa đạn đạo tầm xa cho các tàu ngầm hạt nhân.
Giữa những năm 1980 là thời kỳ mở rộng quy mô lớn của hải quân Liên Xô, trong đó có cả tàu sân bay. Liên Xô đã bắt đầu đóng 2 tàu sân bay lượng choán nước 50.000 tấn lớp Đô đốc Kuznetsov và một siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Ulyanovsk - gần ngang bằng với các tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
Trong số 3 siêu tàu này, chỉ có một chiếc đầu tiên của lớp Đô đốc Kuznetsov được hoàn thành trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.Tàu sân bay sau đó được hải quân Nga kế thừa và phục vụ cho đến tận ngày nay với tên gọi Đô đốc Kuznetsov.
Một tàu sân bay lớp Đô đốc Kuznetsov của Liên Xô chưa hoàn thiện là Varyag sau đó đã được Trung Quốc mua lại từ Ukraine. Hải quân Trung Quốc tái trang bị cho con tàu này và đặt lại tên cho nó là Liêu Ninh.
Là một cường quốc quân sự trên bộ, Liên Xô không thể bố trí đủ nguồn lực của đất nước để xây dựng một hạm đội tàu sân bay thực sự. Ngay cả ngày nay, lực lượng hải quân Nga vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các lực lượng trên bộ và không quân, và tương lai của hàng không hải quân Nga cũng không thực sự rõ ràng.
Bình luận