• Zalo

Luật tín ngưỡng, tôn giáo: Băn khoăn tổ chức tôn giáo được mở trường hay không?

Giáo dụcThứ Năm, 08/09/2016 13:15:00 +07:00Google News

Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về việc các tổ chức tôn giáo được thực hiện các hoạt động giáo dục để khả thi trong thực tiễn.

Trình bày báo cáo trước hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 8/9, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã trình bày báo cáo tiếp thu ý kiến về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

gs-phan-thanh-binh

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội 

Trong đó, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về việc các tổ chức tôn giáo được thực hiện các hoạt động giáo dục để khả thi trong thực tiễn.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thấy rằng, việc tham gia thực hiện các hoạt động giáo dục của các tổ chức tôn giáo cần được thảo luận kỹ lưỡng hơn vì hiện nay vẫn còn hai loại ý kiến về vấn đề này.

Đa số ý kiến nhất trí quan điểm cho phép các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở giáo dục, thực hiện hoạt động giáo dục bình đẳng với các tổ chức xã hội khác.

"Khi thực hiện hoạt động này, các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giáo dục, không được truyền bá tôn giáo, tiến hành các nghi thức tôn giáo tại các cơ sở giáo dục.

Các ý kiến cho rằng, pháp luật về giáo dục hiện hành chưa quy định tổ chức tôn giáo được thành lập nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, vì vậy dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo phải quy định rõ vấn đề này để khả thi trong thực tiễn", ông Phan Thanh Bình nói.

Tuy nhiên, có một số ý kiến băn khoăn về việc cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia sâu vào hoạt động giáo dục và truyền bá tôn giáo trong trường học.

Do đó, một số ý kiến đề nghị vấn đề thành lập cơ sở giáo dục, hoạt động giáo dục nên để pháp luật về giáo dục điều chỉnh, dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo không nên quy định rõ vấn đề này.

dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach

  Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 8/9

Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật còn quá nhiều quy định mang nặng tính hành chính, “xin - cho” và đề nghị quy định theo hướng giảm các thủ tục hành chính, tăng hình thức thông báo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại dự thảo Luật, điều chỉnh các thủ tục hành chính phù hợp hơn với quan điểm xây dựng Luật.

Đến nay, rất nhiều nội dung trong dự thảo đã chuyển từ hình thức đăng ký - cấp phép hoặc đề nghị - chấp thuận sang hình thức thông báo.

“Dự thảo Luật cũng quy định rõ các trường hợp cơ quan có thẩm quyền được từ chối đăng ký, đề nghị của tổ chức, cá nhân có tín ngưỡng, tôn giáo, minh bạch hoá các thủ tục hành chính, thẩm quyền và thời gian xử lý...”, GS Phan Thanh Bình nói.

Những điểm mới này nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Nhiều đại biểu không nhất trí với quy định về điều kiện để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo phải hoạt động ổn định trong 10 năm.

Một số đại biểu đề nghị quy định theo hướng khi tổ chức đã đăng ký hoạt động tôn giáo và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một tổ chức tôn giáo thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và công nhận ngay.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lại cho rằng việc quy định tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau một thời gian hoạt động ổn định mới được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là cần thiết.

Việc này nhằm kiểm nghiệm thực tế hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, tồn tại lâu dài.

“Dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định thời gian hoạt động ổn định của tổ chức là 05 năm; đồng thời quy định rõ ràng hơn về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo”, ông Bình nói.

Video: Những phát ngôn ấn tượng của Đại biểu Quốc hội khóa XIII

Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng.

Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần.

Do đó, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn