Liên quan đến việc ứng dụng thương mại điện tử IBG (app IBG) hoàn trả 80% giá trị sản phẩm, ngày 24/9, trả lời VTC News, luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của ứng dụng này.
Theo luật sư Trần Minh Cường, tương tự như app MyAladdinz vừa bị Bộ Công an ra cảnh báo lừa đảo, app IBG lợi dụng các hoạt động thương mại điện tử (chưa được cấp phép) để huy động vốn và tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Hệ thống IBG chủ yếu lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi và hoa hồng cho người tham gia trước theo mô hình đa cấp kinh điển Ponzy. Thông qua "chiêu bài" tích điểm vào hệ thống, song việc quy ngược lại từ các “điểm” này thành tiền mặt thì rất khó.
Hệ thống sẽ sụp đổ khi số tiền người tham gia sau không đủ trả lãi hoặc không có người tham gia mới. Tuy nhiên, lúc này những "con át chủ bài" đã thu đủ tiền và sẽ nhanh chóng... "tàng hình".
"Điểm thì được thưởng rất nhiều, rất khủng. Nhưng người tiêu dùng chỉ được sử dụng 0.2 % số điểm để quy ra IBG. Từ IBG cũng phải rất nhiều bước mới có cơ may đổi được ra tiền. Theo đó, người tiêu dùng muốn đổi ra tiền chỉ có thể bán cho nhà đầu tư khác trong hệ thống, và hầu như không thể thanh khoản được ra ngoài hệ thống.
Như vậy, người tham gia sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động vốn theo mô hình đa cấp trái phép của ứng dụng này", luật sư Trần Minh Cường nói.
Cũng theo luật sư Trần Minh Cường, Điều 217a Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, có thể bị xử lý hình sự với mức phạt từ 5 tỷ đồng đến 5 năm tù giam.
Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự. Phạm tội có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Do đó, để tránh bị thiệt hại, mọi người cần cẩn trọng trước những lời mời chào đầu tư, mua bán dễ sinh lời như app IBG.
Trả lời VTC News, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, app IBG chưa đăng ký hoạt động với Sở Công Thương thành phố.
"Căn cứ pháp lý theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, qua rà soát, app IBG chưa có thông báo cũng như đăng ký với Bộ Công Thương. Đối với Sở Công Thương TP.HCM, chúng tôi cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về ứng dụng này", ông Hoàng Vũ thông tin.
Trước cách thức vận hành "một khuôn" như nhiều ứng dụng có dấu hiệu lừa đảo khác, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đề nghị báo chí sớm vào cuộc, cảnh báo người dân để tránh tình trạng "tiền mất tật mang".
Theo thông tin trên trang chủ tại ibg.zone, IBG có trụ sở tại bang Texas (Mỹ), giám đốc là ông Alexey Stepanenko. Công ty có 3 đối tác chiến lược tại Việt Nam là IBG Việt Nam, IBG Global Funds và OnesGroup. Ông Nguyễn Thanh Bình là Chủ tịch và nhà sáng lập IBG Việt Nam.
Ngày 3/9/2020, IBG Việt Nam chính thức phát hành app IBG. App IGB là ứng dụng cung cấp dịch vụ tích điểm cho khách hàng (Loyalty point) bằng việc hoàn lại (cashback) 80% giá trị đơn hàng.
Người tiêu dùng sẽ dùng tiền để mua USDT (23.500 đồng = 1 USDT = 1 IBG), sau đó sử dụng IBG để mua hàng. Khi sử dụng app IBG mua hàng, người tiêu dùng sẽ được hoàn lại 80% giá trị sản phẩm sau khi mua theo đơn vị điểm.
Với cách quảng cáo kiểu "lập lờ đánh lận con đen", hầu hết khách hàng đều nhầm lẫn việc hoàn điểm. Trong số điểm hoàn về, người tiêu dùng chỉ được sử dụng 0.2% số điểm để quy ra IBG. Việc đổi tất cả điểm thành tiền là điều không thể.
Bình luận