• Zalo

Luật Đất đai sửa đổi lên bàn nghị sự: Phải 'bịt' được khe hở sinh lợi ích nhóm

Chính trịThứ Năm, 20/10/2022 08:07:18 +07:00Google News
(VTC News) -

Dự án Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ “bịt” những khe hở cho lợi ích nhóm, khiến nhiều quan chức mắc sai phạm thời gian qua và phải chịu các hình thức xử lý.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong bối cảnh mới cho đất nước. Đặc biệt tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - đạo luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. 

Lắng nghe nhiều chiều để sửa Luật Đất đai

Ông Lê Nghiêm, cử tri ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đặc biệt quan tâm tới nội dung thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ở kỳ họp này. Ông Lê Nghiêm chia sẻ, thời gian qua đã có quá nhiều vấn đề phức tạp, gây hậu quả xã hội rất lớn, gây ra nhiều tranh chấp, kiện cáo trong xã hội liên quan tới vấn đề đất đai.

Luật Đất đai sửa đổi lên bàn nghị sự: Phải 'bịt' được khe hở sinh lợi ích nhóm - 1

Ông Lê Nghiêm - nguyên Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Tạp chí Công Thương).

Với tầm quan trọng như vậy, ông Lê Nghiêm mong muốn khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn chỉnh cần công khai để toàn dân được có ý kiến, thông qua các phương tiện truyền thông của Đảng, Nhà nước lấy ý kiến thực chất của người dân chứ không phải chỉ thông qua các đại cử tri như lâu nay; đặc biệt lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà báo tâm huyết có nghiên cứu và tìm hiểu về Luật Đất đai, qua đó Quốc hội có thể lắng nghe, tiếp thu những ý kiến chân thật nhất.

Cử tri kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ “bịt” được những khe hở cho lợi ích nhóm, khiến nhiều quan chức địa phương mắc sai phạm thời gian qua và đã phải chịu những hình thức xử lý.

“Việc sửa Luật Đất đai lần này theo tôi cần xác định rõ quyền của người dân đối với đất đai, với phần đất đang sử dụng đất hợp pháp khi thu hồi đất người dân phải được bảo đảm quyền lợi một cách đầy đủ và hợp lý. Nơi nào có lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước phải để người dân thỏa thuận với các doanh nghiệp, không để cho doanh nghiệp "mượn tay" Nhà nước thu hồi đất giá rẻ của dân để hưởng siêu lợi nhuận. Cùng đó, cách tính toán giá đất cũng phải bảo đảm phù hợp với giá trị thị trường, không để người dân bị thu hồi đất chịu thiệt thòi như lâu nay”, ông Lê Nghiêm kiến nghị.

Cũng cho rằng vấn đề thu hồi đất là nội dung khá nhạy cảm, ông Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam - cho biết, qua nghiên cứu, ông thấy dự thảo Luật chưa thể hiện rõ mục đích, điều kiện, tiêu chí cụ thể để thu hồi đất, chưa bám sát và chưa thể chế hóa được tinh thần, đường lối, chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về vấn đề này.

Luật Đất đai sửa đổi lên bàn nghị sự: Phải 'bịt' được khe hở sinh lợi ích nhóm - 2

Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam.

Ông nhấn mạnh thu hồi đất là vấn đề phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo, bất ổn xã hội, nhất là khi thu hồi đất ở của người dân để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Trong khi theo quy định, khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Vì thế, theo đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, cơ quan soạn thảo cần làm rõ như thế nào là đảm bảo cuộc sống điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quy định rõ tiêu chí để đánh giá, định lượng việc bồi thường tạo lập chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Có như vậy mới thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, bảo đảm tính khả thi, tránh khiếu kiện kéo dài. 

Quốc hội sẽ thảo luận thẳng thắn

Đại biểu Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kỳ vọng, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành.

“Hiện nay có nhiều luật cần sửa đổi xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn, đây đều là những vấn đề cấp bách, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là những lĩnh vực mới trước đây chưa có luật điều chỉnh, hay những vấn đề đã được điều chỉnh bởi luật cụ thể nhưng qua thời gian dài áp dụng, trước những biến động của thực tiễn và quá trình hội nhập, cần phải sửa đổi để hoàn thiện, phù hợp với thực tế. Hy vọng trong kỳ họp này, những luật cần sửa, những vấn đề bức xúc trong thực tiễn xã hội sẽ được đưa ra xem xét để sửa đổi cho phù hợp”, ông nói.

Luật Đất đai sửa đổi lên bàn nghị sự: Phải 'bịt' được khe hở sinh lợi ích nhóm - 3

Đại biểu Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Đại biểu Trần Văn Lâm đơn cử như Luật Đất đai ban hành từ năm 2013, sau gần 10 năm áp dụng dù đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhưng cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cản trở trong quá trình thực thi. Nhiều nơi có đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai, phát sinh tiêu cực tham nhũng lãng phí. Việc sửa đổi Luật Đất đai là mong mỏi của đông đảo cử tri, nhân dân và của chính những người làm công tác quản lý trong lĩnh vực này.

Việc sửa đổi Luật Đất đai là vô cùng cần thiết để đất đai thành một nguồn lực được khai thác có hiệu quả, đóng góp hơn nữa cho sự phát triển đất nước và cũng để giảm đi những bức xúc trong xã hội liên quan đến lĩnh vực này, xử lý vấn đề tham nhũng, lãng phí.

“Đất đai là vấn đề hết sức hệ trọng nên Quốc hội phải xem xét qua 3 kỳ họp, hy vọng lần này sẽ “xới lên” những vấn đề mà cử tri đang quan tâm và tiếp tục thảo luận hoàn thiện luật”, đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ.

Bên cạnh đó, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, các luật trong lĩnh vực tài chính như Luật Đấu thầu, Luật Giá cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong thực tiễn cần xem xét sửa đổi. Đặc biệt là Luật Đấu thầu, cần sửa đổi hoàn thiện để ngày càng đi vào thực chất, đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư, nhà thầu đúng và trúng một cách khách quan, minh bạch, không cản trở quá trình thực hiện các nhiệm vụ.

“Rất nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị đang cho rằng Luật Đấu thầu hiện nay còn hình thức, nhiều thủ tục phiền hà, làm chậm quá trình giải ngân đầu tư cơ bản, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế không mua được thuốc men, thiết bị y tế cũng do những bất cập trong luật này”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu rõ.

Cũng theo đại biểu Trần Văn Lâm, thời gian qua, Luật Giá đóng góp rất lớn trong việc thực hiện các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất hợp lý, các công cụ kiểm soát giá cần hoàn thiện hơn trong thời gian tới để khắc phục những bất cập trong điều hành giá cả.

Đại biểu đoàn Bắc Giang cũng nhấn mạnh rằng, những nội dung trên cần được đưa ra thảo luận thẳng thắn tại Quốc hội trong kỳ họp lần này, từ đó xem xét sửa đổi các quy định pháp luật. Trên cơ sở đó có đủ điều kiện đẩy nhanh hơn nữa các nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cũng như thực hiện chủ trương về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, công tác đấu tranh phòng chống lãng phí, chống tiêu cực…

Thanh Hà-Nguyễn Trang(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn