Vừa qua, một sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là kinh tế TP.HCM chỉ tăng trưởng 0,7% trong quý 1 năm 2023. Đây là chuyện chưa từng có ở thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước trong hơn 30 năm qua.
Vậy những nguyên nhân gì đã làm cho tăng trưởng thấp như vậy?
Đúng là có tác động bởi sự suy thoái của kinh tế thế giới, có tác động của thời kỳ “hậu COVID-19”; có ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraina. Và dĩ nhiên, nguyên nhân chủ quan là “do ta” cũng không ít.
Tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý 2/2023, tổ chức vào sáng 1/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi không vòng vo mà thừa nhận nguyên nhân chính: Đó là xuất phát từ tâm lý e ngại, né tránh, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm từ một bộ phận cán bộ công chức. Do đó, không ai dám trả lời, chấp bút phê duyệt mà đùn đẩy trách nhiệm hết sở này đến sở kia.
Câu chuyện này của TP.HCM không phải là cá biệt mà đó đang là tình trạng phổ biến, là “công chức nạn” trong một bộ phận lớn cán bộ, công chức.
Gần đây, lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhiều bộ ngành nói về việc cần phải xây dựng cơ chế để khuyến khích và bảo vệ những người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” - (tạm gọi là “Ba dám”).
Báo chí cũng như dư luận nói nhiều về việc “không tìm đâu ra người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong thời buổi hiện nay... Nói một cách trần trụi, trong 3 - 4 năm trở lại đây, còn rất ít những người có tư tưởng “Ba dám”. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng cán bộ “Ba dám” cơ bản đã “tuyệt chủng”.
Đây đúng là một thực tế buồn.
Lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ cận đại đã có nhiều điển hình “Ba dám”… Đó là chuyện khoán chui của Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng; chuyện tiền tệ hóa đồng lương thay vì tem phiếu của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính. Rồi chuyện “xé rào” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khi ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Xa hơn nữa là sáng kiến khoán sản phẩm của ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Ngày ấy, đã có bài báo phê phán sáng kiến của ông cực kỳ nặng nề, thậm chí quy cho ông là có tư tưởng “biến Đảng thành địa chủ phát canh thu tô”… Nhưng rồi lịch sử đã chứng minh cách làm của ông là đúng, và đã mở ra các quyết định mới về khoán sản phẩm, để từ đó, nông nghiệp Việt Nam đã “cất cánh” và nay trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo.
Những việc “dám làm” khi chưa có tiền lệ này đã khiến cho các vị phải trả giá bằng những án kỷ luật khá nặng. Tất cả trường hợp này lúc ấy đều bị kỷ luật vì những đổi mới, sáng tạo của mình.
Nhưng Đảng ta rất sáng suốt trong tổng kết đánh giá thực tiễn. Đến thời kỳ đổi mới thì Trung ương đã công nhận tư duy sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của các lãnh đạo này đúng.
Vì thế nhiều trường hợp được Trung ương điều động phân công giữ các chức vụ lãnh đạo cao hơn. Ông Đoàn Duy Thành và ông Chín Cần làm tới Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Nguyễn Văn Linh làm Thường trực Ban Bí thư, rồi Tổng Bí thư. Ông Kim Ngọc thì được vinh danh bằng những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, được đưa vào văn học, nghệ thuật.
Gần đây nhất là bài học từ Quảng Ninh - địa phương được nhắc tới nhiều với vị trí dẫn đầu cả nước trên cả hai bảng xếp hạng về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sự phát triển của Quảng Ninh có thể là một ví dụ điển hình nhất cho thấy vai trò của một đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm mà người dẫn dắt là Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính trong giai đoạn 2012 - 2016.
Nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm của Bí thư Tỉnh ủy mà Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là thay đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”… Nghĩa là từ khai thác hòn than sang dịch vụ, du lịch. Dĩ nhiên, sau này ai cũng hiểu để làm được điều này thì nội bộ phải thật sự đoàn kết, có người chịu trách nhiệm cao nhất, truyền cảm hứng cho cấp dưới.
Và hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đang thể hiện mình là người “Ba dám”. Trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ các cán bộ “Ba dám” như vậy.
Lâu nay, cụm từ “bảo vệ người dám nghĩ dám làm” được nhắc đến đâu đó nhưng lần này đã được đưa vào Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn, điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn đối với những cán bộ chủ động, sáng tạo trong công việc, mạnh dạn đổi mới vì sẽ có cơ chế để bảo vệ họ…
Chúng ta đều biết những người có tư tưởng “Ba dám” là những người rất thông minh và có bản tính quyết đoán, mạnh mẽ. Chính vì thông minh hơn người, nên họ đã nhìn thấy những rào cản trong công việc qua các quy định của pháp luật; và để hoàn thành được nhiệm vụ, đôi khi họ đã phải nghĩ ra các biện pháp mới có tính đột phá để vượt qua những rào cản đó.
Cách làm của họ, nếu thành công thì sẽ được tung hô là người “Ba dám”; còn nếu sơ sẩy một chút để thất thoát tài sản Nhà nước hoặc những tiêu cực này khác ở cấp dưới, thì sự nghiệp của họ coi như chấm dứt.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Đảng, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ và bỏ đi những quy định không còn phù hợp hoặc gây cản trở cho sự phát triển kinh tế một cách quyết liệt; nhưng sự bảo thủ của nhiều bộ, ngành vẫn đang là một nguyên nhân lớn khiến cho việc tháo gỡ chưa được triệt để, thông thoáng.
Chúng ta đang cần những cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Trong một chừng mực nào đó, mỗi cán bộ “Ba dám” là những đầu tầu. Họ là người kéo cả đoàn tàu chạy về đích.
Bình luận