Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến mức tăng trưởng của TP.HCM giảm sâu ngoài dự đoán như hiện nay, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân đầu tiên được TS. Bùi Kiến Thành đưa ra là bức tranh kinh tế thế giới đang lao dốc, tình hình khó khăn không phải xảy ra với mỗi TP.HCM.
Mức tăng trưởng GRDP quý I/2023 của TP.HCM chỉ bằng 0,7% cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp không còn nhận được dồi dào đơn đặt hàng như các năm trước từ các bạn hàng nước ngoài. Việc này ảnh hưởng đến vấn đề sản xuất của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng. Điều này cũng phản ánh một thực tế là tình hình của thế giới ảnh hưởng nặng nề tới Việt Nam.
Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân chủ quan, đó là do chính vấn đề nội tại của TP.HCM.
Theo ông Bùi Kiến Thành, TP.HCM phải tự xác định lợi thế của mình so với các tỉnh thành khác trong cả nước và với các thành phố lớn trong khu vực, trên thế giới. Khi xác định được lợi thế của mình, TP.HCM sẽ phải đặt ra các mục tiêu mà mình muốn đạt được về kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân…
"Cái này thì phải đi sâu vào nghiên cứu, cần có cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Thành phố phải suy nghĩ về cách thức đạt được các mục tiêu ấy, rồi đề xuất các biện pháp, cơ chế hỗ trợ. Trong trường hợp chưa biết đề xuất như thế nào thì TP.HCM có thể tham khảo những đô thị đã chuyển mình thành công dựa trên những ưu đãi đặc thù như Thượng Hải, Thẩm Quyến (Trung Quốc) hay đảo quốc Singapore… để học hỏi kinh nghiệm.
Nghĩa là, từ lãnh đạo thành phố tới các lãnh đạo cấp cao hơn phải nghĩ về cơ chế đặc thù này bằng một tinh thần khác: tinh thần cải cách tìm hiểu, biết mình biết người, sẵn sàng lắng nghe, học hỏi…", chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.
Cuối cùng là do thị trường bất động sản đang gần như đóng băng. Theo ông Thành, bất động sản đóng vai trò cực kỳ quan trọng về thu nhập của người lao động cũng như các doanh nghiệp tại TP.HCM. Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, khi thị trường bất động sản trầm lắng thì kéo theo các doanh nghiệp sắt, thép, xi măng... cũng tê liệt. Các doanh nghiệp này sẽ không có đợn đặt hàng, không có việc làm, do đó buộc phải sa thải nhân viên. Điều này kéo theo một sự giảm sút rất mạnh trong vấn đề tiêu dùng.
Bất động sản bị đóng băng được cho là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế TP.HCM tuột dốc. (Ảnh minh họa)
Trước tình trạng này, TS. Bùi Kiến Thành nhận định chính TP.HCM phải tự xem lại nội tại của mình.
"Chúng ta phải giải được bài toán làm thế nào cho các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, tự tạo ra thị trường trong nước một cách dài hơi... Do chúng ta từ trước tới nay không tổ chức điều đó, đến lúc khủng hoảng thế này mới giật mình loay hoay tìm cách cứu chữa. Mình cứ bám víu vào vấn đề xuất khẩu, mà mình không tự tổ chức thị trường ổn định trong nước", TS. Bùi Kiến Thành nói.
Ông Thành cũng lưu ý thêm một vấn đề tưởng chừng không tác động lớn nhưng thực tế đang cản trở sự phát triển của kinh tế TP.HCM, đó là vấn đề hành chính. Hiện vấn đề này đang tạo những khó khăn đối với doanh nghiệp, nhân cơ hội này, lãnh đạo các cấp, các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để xem những vấn đề đó thì phải làm sao để tháo gỡ, để thành phố hoạt động tốt hơn.
Tăng trưởng GRDP của TP.HCM có thể âm
Còn chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cảnh báo, nếu TP.HCM tăng trưởng thấp mà không hồi phục nhanh thì sẽ lan ra cả nước ở quý II, quý III, thậm chí cả sang năm 2024.
Dựa vào số liệu trên cổng thông tin điện tử của TP.HCM, TS. Bùi Trinh cho biết, chỉ số điều chỉnh GDP hay chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) của TP.HCM trong quý I/2023 so với quý I/2022 là 2,9%. Trong khi đó, chỉ số giá CPI bình quân của quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước là 4,5%, điều này phần nào cho thấy sự thay đổi về thu nhập từ sản xuất và lợi nhuận của người lao động và lợi nhuận các doanh nghiệp tại TP.HCM là khá cam go.
Để ý rằng, đối với cả nước thì chỉ số điều chỉnh GDP quý I/2023 là 4,2% trong khi chỉ số giá CPI bình quân của quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước là 4,18% (tức là chỉ số giá CPI bình quân so với cùng kỳ tương đương chỉ số thay đổi giá GDP).
Khu vực dịch vụ (chiếm hơn 65% GRDP của TP.HCM) tăng 2,07% đóng góp 1,53 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung, trong đó có đến 5/9 ngành có chỉ số lan tỏa và độ nhạy cao của thành phố có mức tăng trưởng âm như: Vận tải kho bãi, thông tin và truyền thông, kinh doanh bất động sản, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội, khu vực công nghiệp và xây dựng.
Đặc biệt những ngành tăng trưởng có chỉ số lan tỏa cao về giá trị tăng thêm như ngành xây dựng giảm rất sâu đến 20%, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 16,2%.
"Như đã biết, mức độ quan trọng của một tỉnh hoặc vùng chính là mức độ lan tỏa của các ngành trong vùng đó đến cả nước. Nhiều ngành có mức độ lan tỏa cao của TP.HCM suy giảm có thể sẽ dần lan đến các tỉnh khác trong quý II, quý III, hoặc thậm chí kéo dài đến năm sau nếu TP.HCM không nhanh chóng hồi phục", TS. Bùi Trinh nói.
Quý I/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng trưởng chỉ bằng 0,7% so cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa)
Xét về vốn đầu tư trên địa bàn TP.HCM, quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước theo giá hiện hành chỉ tăng 4,4%, trong khi chỉ số CPI bình quân tăng 4,5% và chỉ số thay đổi giá trị tăng thêm ngành xây dựng và công nghiệp chế biến - chế tạo tương ứng là 3,5% và 3,7%.
Điều này có nghĩa là cầu đầu tư hầu như không tăng, thậm chí có thể giảm. Nhìn kỹ hơn có thể thấy hầu như các loại hình đầu tư đều giảm trong quý I/2023, chỉ có hai khu vực sở hữu có mức đầu tư cao hơn mức bình quân chung của nền kinh tế TP.HCM là khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (tăng trưởng 19,4% theo giá hiện hành). Như vậy, nếu không có khu vực FDI thì tăng trưởng GRDP của TP.HCM có thể âm.
"Bắt bệnh" cho thực tế của TP.HCM hiện nay, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho biết, hiện có 3 "phương thuốc" để TP.HCM phục hồi sau cơn "bạo bệnh" gồm: Đầu tư công, tháo gỡ thể chế, đẩy mạnh thị trường nội địa.
Theo đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM phải tháo gỡ đầu tư công, đầu tư tư nhân để vốn vào nền kinh tế.
"Mấu chốt là thành phố phải công khai, minh bạch thông tin để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có niềm tin, đầu tư trở lại, kinh tế mới tăng trưởng", TS. Trần Du Lịch cho hay.
Nếu lãnh đạo TP.HCM thật sự quyết tâm, giải quyết điểm cốt tử là sự trì trệ của bộ máy hành chính, có các hành động tháo gỡ cụ thể thay vì nói chung chung thì thành phố hoàn toàn có thể đứng dậy trong những quý sau.
Quý I/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng trưởng chỉ bằng 0,7% so cùng kỳ năm ngoái. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa thành phố về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Bình luận