Đầu tháng 5 vừa qua, các diễn đàn học thuật trên mạng xã hội có nhiều ý kiến băn khoăn về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", thuộc chuyên ngành Giáo dục học tại Viện Khoa học Thể dục Thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), của Nghiên cứu sinh (NCS) Đặng Hoàng Anh.
Các nhà khoa học cho rằng nội dung đề tài không đủ tầm của một luận án tiến sĩ. Theo nhiều nhà khoa học, mục đích của một công trình nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp nhằm cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, có tác động lớn đến cộng đồng hoặc cả xã hội.
Trong khi đề tài luận án trên nói đến việc phát triển môn cầu lông cho cán bộ công chức, viên chức thành phố Sơn La là quá nhỏ, không có tính đóng góp cho xã hội hay cộng đồng khoa học. Do vậy, xét về tính học thuật lẫn thực tiễn, đề tài chưa đạt yêu cầu.
Là đơn vị quản lý chuyên môn, Bộ GD&ĐT cho biết, trước khi luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của NCS Đặng Hoàng Anh xôn xao trên mạng xã hội, Bộ GD&ĐT đã nhận được thông tin phản ánh.
Bộ GD&ĐT đã mời 3 chuyên gia độc lập thẩm định luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của NCS Đặng Hoàng Anh. Kết quả từ ba chuyên gia cho thấy, 2 chuyên gia yêu cầu nghiên cứu sinh chỉnh sửa lại luận án với rất nhiều nội dung; 1 chuyên gia đánh giá không đạt.
Như vậy, theo ý kiến của các chuyên gia thẩm định, luận án này không đạt, nghiên cứu sinh phải làm lại, bảo vệ lại. Kết quả đã được Bộ GD&ĐT gửi về cơ sở đào tạo để xử lý theo thẩm quyền.
Trao đổi qua điện thoại với Tiền Phong, PGS.TS Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao, cho biết Viện sẽ làm đúng theo yêu cầu, sau đó báo bận và tắt máy.
Theo quy định tại Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, yêu cầu đối với luận án tiến sĩ phải là báo cáo tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể.
Việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình 3 bước như sau: Đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp trường/viện.
Quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất.
Bộ GD&ĐT quán triệt việc đào tạo tiến sĩ cần nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng.
Bình luận