Từ những tranh cãi liên quan đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, TS Lê Thị Hoa, Đại học Quốc gia TP.HCM đặt nghi vấn hội đồng khoa học thẩm định các đề tài hiện quá cả nể, xuề xoà, dễ dàng thông qua các đề tài kém chất lượng, hàm lượng khoa học thấp.
Bản thân các nghiên cứu sinh có đề tài kém chất lượng cũng không phân biệt được đâu là đề tài nghiên cứu ở bậc học tiến sĩ, đâu là báo cáo, nghiên cứu giải pháp, khảo sát thực trạng đơn thuần ở một đơn vị, ngành nghề nào đó. "Tình trạng "mơ màng", hời hợt trong nghiên cứu khoa học này rất nguy hiểm", nữ tiến sĩ nói.
Từng kinh nghiệm 12 năm học thạc sĩ, tiến sĩ và làm việc ở Đức, TS Lê Thị Hoa cho hay, nghiên cứu sinh ở một số nước châu Âu phải làm việc chăm chỉ, nghiêm túc và thực chất trong 3 - 5 năm mới có đủ tiêu chuẩn số giờ nghiên cứu trong phòng lab, thực địa, thông tin để bảo vệ trước hội đồng. Thậm chí có người bảo vệ đến 5 lần vẫn chưa được hội đồng thông qua.
Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu sinh vừa đi học, vừa đi làm, mà trong 3 năm bảo vệ thành công luận án dù không đóng góp gì cho nền nghiên cứu, nếu có thì cũng rất thấp, mờ nhạt.
Tin chắc thời gian tới còn rất nhiều luận án nhỏ như báo cáo khoa học khiến ngành giáo dục, giới học thuật bất ngờ hơn nữa. Hệ quả là hàng trăm, hàng ngàn "tiến sĩ giấy" ra đời, rộ lên như nấm mọc sau mưa rào"
TS Lê Thị Hoa
Theo bà, một trong những nguyên nhân dẫn đến đề tài luận án nhỏ nhặt, tiến sĩ kém chất lượng là do đầu năm 2021, Bộ GD&ĐT quy định bỏ công bố khoa học quốc tế khi bảo vệ luận án tiến sĩ. "Việc nới lỏng chuẩn đầu ra khiến đề tài của nghiên cứu sinh dễ dàng được thông qua. Tin chắc thời gian tới sẽ còn rất nhiều luận án nhỏ như báo cáo khoa học khiến ngành giáo dục, giới học thuật bất ngờ hơn nữa. Hệ quả là hàng trăm, hàng ngàn "tiến sĩ giấy" ra đời, rộ lên như nấm mọc sau mưa rào", vị chuyên gia nói.
Để nâng cao chất lượng tầng lớp tri thức, loại bỏ tiến sĩ háo danh, nữ tiến sĩ cho rằng, Việt Nam nên có chính sách khắt khe hơn, thậm chí là xử phạt. Đồng thời những giáo sư, phó giáo sư đầu ngành ngồi hội đồng cần thẳng tay chấm, đừng cả nể, xuề xoà mà cho ra lò những tiến sĩ copy - paste. Rất cần cơ chế thắt chặt tuyển sinh đầu vào và bảo vệ luận án để tránh việc háo danh và phổ cập tiến sĩ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Văn Hoàng, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho rằng, nếu những luận án tiến sĩ được dư luận phản ánh thực sự kém chất lượng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người hướng dẫn.
Tuy nhiên, việc xác định đúng sai rất khó. Bộ GD&ĐT dù có thành lập hội đồng khoa học để đánh giá cũng khó đưa ra được kết luận cuối cùng. Trong khoa học, đặc biệt là những ngành đặc thù, những đề tài nghiên cứu không có đúng sai mà chỉ có đóng góp ít - nhiều, hay - dở.
"Mặt khác, các tiến sĩ sẽ lập luận rằng, họ bảo vệ đề tài đúng quy trình, được hội đồng thông qua thì không có lý gì họ sai. Sai ở đây là người hướng dẫn và những người trong hội đồng chấm", ông nói. Dù vậy, Bộ vẫn cần đánh giá để lấy lại công bằng cho những người đã được nêu tên hoặc làm cộng đồng khoa học, dư luận tin tưởng vào kết quả luận án.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng cho rằng, liên tiếp những luận án tiến sĩ dởm bị dư luận tố cáo thời gian gần đây là do ý thức, thái độ người học. Mặt khác, “dây chuyền sản xuất” tiến sĩ kém chất lượng đã tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh làm ẩu, dễ dãi để dán bằng cấp phô trương, “lòe thiên hạ”.
Để ngăn chặn tình trạng dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ, ông Dững nêu quan điểm, cần khắc phục loại đề tài luận án tiến sĩ kém chất lượng, chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ những người thầy, các nhà khoa học đi trước; đồng thời phụ thuộc vào người dự tuyển nghiên cứu sinh.
“Ở đây có vai trò của Bộ GD&ĐT. Nguyên nhân, các đề tài luận án tiến sĩ, sau khi đã được hội đồng tư vấn và cơ sở đào tạo quyết định, đều phải báo cáo Bộ GD&ĐT thẩm định chứ không chỉ để báo cáo hành chính”, PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho hay.
Bình luận