Nằm lọt thỏm trên giường bệnh của khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Lan (67 tuổi, thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) gần như không còn sức lực. Thi thoảng bà cố gắng gượng nghiêng chiếc cốc khó khăn uống từng ngụm nước. Những giọt nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt sạm đen như lời khẩn cầu xin được sống.
Túc trực 24/24h bên giường bệnh của bà, con trai Ngô Văn Dương (36 tuổi) cúi gằm mặt, lộ rõ vẻ lo lắng, tiều tuỵ
Gần 40 năm trước, khi cận kề tuổi 30, mặc cho gia đình phản đối, bà Lan vẫn quyết định mang thai và sinh con một mình. Hàng xóm láng giềng cũng lời ra tiếng vào, xì xầm to nhỏ, nhưng bà chọn cách im lặng, coi như không nghe tiếng gì để sống tiếp.
Lựa chọn làm mẹ đơn thân, bà Lan cùng con nương tựa vào nhau, bươn trải đủ nghề để có cái ăn. Vất vả trăm bề, con trai luôn là động lực để bà cố gắng mỗi ngày.
Năm 2005, sau buổi đi làm đồng về, bà Lan xuất hiện cơn đau dữ dội ở ngực. Linh cảm điều không lành, bà đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả chẩn đoán bà bị u vú, bác sĩ phải cắt bỏ khối u nếu không bệnh sẽ tiến triển, nguy hiểm tính mạng.
Nhận tin mắc bạo bệnh, bà choáng váng đầu óc, bật khóc ngay tại phòng khám. Bà sợ nếu không còn sống, thì con trai sẽ ra sao. Được bác sĩ động viên, bà về nhà vay tiền khắp nơi để mổ cắt khối u. Ca phẫu thuật may mắn thành công, nhờ vậy bà sống được đến nay.
Để có tiền trả số nợ vay chữa bệnh cho mẹ, Dương phải bỏ học, làm đủ nghề từ bốc vác, phụ xây nhưng do không có việc đều, thu nhập bấp bênh nên nghèo vẫn hoàn nghèo.
Trong lúc khó khăn bủa vây, nợ nần chồng chất, tai hoạ một lần nữa giáng xuống nhà bà Lan. Đầu tháng 5/2024, bà đau bụng dữ dội. Kết quả thăm khám tại trung tâm y tế huyện cho thấy đại tràng thủng dẫn tới sốc nhiễm khuẩn nặng.
Vay nóng hàng xóm được 2 triệu đồng, anh Dương theo xe cứu thương đưa mẹ xuống Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu.
Mải miết với cuộc sống mưu sinh khó khăn, suốt những năm qua bà Lan và con trai chưa khi nào dám nghĩ đến việc mua bảo hiểm y tế, giảm bớt gánh nặng khi đổ bệnh. Chỉ khi vào bệnh viện gần một tháng, tốn hơn một trăm triệu đồng, anh Dương mới nghĩ đến việc sẽ xoay sở tiền để mua cho mẹ tấm thẻ bảo hiểm.
Ngày đưa mẹ đi viện, trong nhà anh không có nổi một triệu đồng, anh phải ngược xuôi khắp đường làng, ngõ xóm hỏi vay tiền chữa bệnh cho mẹ.
Hiện tiền đi vay đã hết, anh Dương bật khóc khi nghĩ đến những ngày tới không biết sẽ phải lấy tiền ở đâu để mua thuốc cho mẹ.
"Tình trạng bệnh của mẹ tôi vẫn nặng, phải điều trị lâu dài nhưng kinh tế gia đình đã cạn kiệt, không còn chỗ để vay mượn nữa. Xin các nhà hảo tâm, bạn đọc từ Báo điện tử VTC News giúp đỡ để mẹ tôi có thêm cơ hội sống”, anh Dương chắp tay cầu xin.
Theo bác sĩ Võ Thị Tâm, khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), bệnh nhân Lan nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, hôn mê, suy hô hấp, huyết áp tụt không đo được. Người bệnh được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phúc mạc do thủng đại tràng.
Bà Lan được chỉ định mổ viêm phúc mạc. Sau mổ phải lọc máu liên tục, thở máy, thăm dò huyết động. “Hơn một tuần sau mổ, tình trạng sức khoẻ người bệnh có dấu hiệu tiến triển tích cực, rút được ống nội khí quản, huyết động ổn định, tập ăn đường miệng. Tuy nhiên, quá điều trị còn dài ngày, thuốc men tốn kém nhiều. Việc bệnh nhân không có bảo hiểm y tế cũng là gánh nặng kinh tế rất lớn đối với gia đình và bệnh viện”, bác sĩ Tâm cho hay.
Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng thôn Cộng Hoà xác nhận, gia đình bà Lan thuộc diện khó khăn, cả hai mẹ con đều không có việc làm ổn định nên khi đổ bệnh kinh tế càng thêm khó khăn.
Là người trực tiếp vận động tìm mọi nguồn lực hỗ trợ bệnh nhân, chị Vũ Hương Giang, cán bộ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Thanh Nhàn ái ngại chia sẻ, bệnh nhân phải điều trị lâu dài, kinh phí điều trị tốn kém.
Những ngày qua, các y, bác sĩ đã nỗ lực hết sức níu giữ tính mạng cho bệnh nhân. Nếu hành trình điều trị phải dừng lại, đồng nghĩa với việc những nỗ lực của các bác sĩ cũng như bệnh nhân đổ sông đổ biển. Vì vậy, bệnh viện rất mong bạn đọc Báo điện tử VTC News và các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ. Giúp bệnh nhân thêm cơ hội được sống và trở về với gia đình.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.
Bình luận