Tiểu học Gateway bỏ quên học sinh trên xe đưa đón
Đầu tháng 8/2019, trường tiểu học Gate Way (Hà Nội) bỏ quên bé trai lớp 1 tên L.H.L (6 tuổi) trên xe ô tô đưa đón của nhà trường, khiến cháu bé bị ngạt thở và chết ngay trên xe. Cái chết thương tâm khiến tất cả xã hội không khỏi bàng hoàng, xót xa và bức xúc.
Cơ quan điều tra đã khởi tố 3 bị can với tội danh vô ý làm chết người, gồm bà Nguyễn Bích Quy, người kiểm soát và đưa đón học sinh trên xe; ông Doãn Quý Phiến, người điều khiển phương tiện chở học sinh và cô giáo chủ nhiệm lớp Nguyễn Thu Thủy do tắc trách, thiếu trách nhiệm.
Tuy nhiên, sự việc diễn ra đến nay được 4 tháng nhưng mới chỉ có 3 bị can được khởi tố, trách nhiệm của Nhà trường vẫn chưa được làm rõ, khiến dư luận không mấy đồng tình.
Cũng sau sự việc này, nhiều phụ huynh hoang mang trước thông tin hàng loạt trường tự gắn mác “quốc tế”, như một chiêu trò để thu hút phụ huynh và học sinh.
Đại học Đông Đô đào tạo "chui" văn bằng 2
Sự kiện này khiến hàng loạt lãnh đạo trường bị khởi tố tội danh giả mạo trong công tác.
Theo kết luận điều tra của cơ quan công an, trong 3 năm qua, nhà trường đã đào tạo và cấp bằng cho trên 700 học viên ngành Ngôn ngữ Anh theo kiểu mua bán, không tổ chức học tập, thi cử tại lớp.
Dư luận càng "sốc" hơn khi Bộ GD&ĐT phát đi thông báo: 17 ngành đào tạo của trường này chưa được cấp phép hoạt động, hoàn toàn là trái phép.
Tuy nhiên dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao trường tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng trong hơn 3 năm liền mà Bộ GD&ĐT không hề hay biết. Trong khi đó, phôi bằng là của Bộ- cơ quan quản lý và cung cấp cho các cơ sở giáo dục?
Trường ĐH Việt Nam được xếp hạng quốc tế
Nhiều bảng xếp hạng uy tín quốc tế năm 2019 gọi tên các trường đại học ở Việt Nam. Điển hình như Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng có mặt trong các bảng xếp hạng lớn QS (QS World University Rankings).
Đặc biệt đại học Tôn Đức Thắng là trường đầu tiên ở Việt Nam được đánh giá top 1.000 đại học tốt nhất thế giới, có mặt trong bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities (ARWU) được cho là khó nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, trong bảng xếp hạng của Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801-1000 thế giới; tiếp theo là Đại học Quốc gia TP.HCM trong nhóm 1000+.
Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học.Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp và Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.
Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua
Luật sửa đổi này có nhiều điểm mới như học sinh bậc học THCS được miễn học phí, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không làm đúng ngành sẽ được hoàn trả lại học phí, nâng chuẩn trình độ giáo viên và xã hội hóa sách giáo khoa cho các doanh nghiệp tư nhân.
Luật giáo dục sửa đổi khắc phục được một số vấn đề bất cập như xác định quan điểm gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động, bổ sung một số chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục, nhất là ở bậc đại học.
Không phân biệt văn bằng đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.
Ra mắt 5 bộ SGK viết theo chương trình GDPT mới
Trong đó 4/5 bộ sách giáo khoa lớp 1 thuộc sự sở hữu chung của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và chỉ duy nhất 1 bộ sách “Cánh diều mơ ước” được doanh nghiệp xã hội hóa.
Xoay quanh 5 bộ sách giáo này, dư luận vẫn rất băn khoăn về chất lượng, nguồn gốc cuốn sách và tính độc quyền sách giáo khoa trên thị trường của Nhà xuất Giáo dục Việt Nam vẫn chưa được xóa bỏ.
Đồng thời, trong tất cả các bộ sách bị Hội đồng thẩm định sách quốc gia đánh trượt, đáng chú ý nhất có sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của GS.TS Hồ Ngọc Đại từng tồn tại và giảng dạy hơn 40 năm.
Lý do là chương trình mới thì sách cũng phải mới, bộ sách công nghệ đã đưa vào giảng dạy được nhiều năm, thu được nhiều thành tựu lớn nhưng hiện nay không còn phù hợp với thời cuộc và cần thay đổi. Nếu chủ biên bộ sách muốn được kiểm duyệt thì cần chỉnh sửa nhiều chỗ để đáp ứng được chương trình phổ thông mới.
Khởi tố vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia 2018
Hàng loạt các giám đốc sở, trưởng phó phòng chuyên môn của 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị khởi tố vì tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thao túng và làm sai lệnh kết quả kỳ thi.
Những sai phạm trong kỳ thi THPT quôc giá 2018 được đáh giá là chưa từng có trong lịch sử các kỳ thi quốc gia. Vi phạm diễn ra ở quy mô liên tỉnh, hàng chục cán bộ quản lý giáo dục bị tạm giam, có người bị khởi tố; Thí sinh điểm cao thành rớt tốt nghiệp. Bên cạnh đó là những nghi vấn và băn khoăn về tính bền vững của kỳ thi.
Công nhận hàng trăm ứng viên đạt chuẩn chức danh GS, PGS
Trong tháng 11/2019, Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận 425 ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2019. Theo đó, có 78 ứng viên được công nhận đạt chuẩn giáo sư và 353 ứng viên phó giáo sư.
Theo Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đây là năm đầu tiên thực hiện xét chuẩn theo quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều điểm mới và chặt chẽ hơn các năm trước.
Sau khi thẩm định hồ sơ, đánh giá ngoại ngữ, báo cáo khoa học tổng quan của 725 ứng viên gửi hồ sơ, có 440 ứng viên đủ điều kiện (82 ứng viên giáo sư, 358 ứng viên phó giáo sư) từ 26 hội đồng ngành, liên ngành được đưa vào danh sách đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019.
Bình luận