Ngoài yếu tố đột biến gene, di truyền thì thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung.
Việc tiêu thụ các loại thực phẩm lành mạnh, nhiều dưỡng chất có thể giảm thiểu 30-50% nguy cơ mắc ung thư, trong đó có cả việc sử dụng một số loại trà.
Những loại trà giúp ngăn ngừa ung thư
Trà đen
Theo chia sẻ từ bài đăng trên Báo Người lao động, trà đen được coi là "siêu thực phẩm" có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Trong trà đen chứa các hoạt chất polyphenol, theabrownin, polysaccharides trà... lợi cho sức khỏe, tiềm năng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát ung thư.
Chất chống ôxy hóa trong trà đen giúp ngăn ngừa ung thư phổi, tuyến tiền liệt, đại trực tràng, bàng quang và buồng trứng. Trà đen còn giúp ngăn ngừa sự hình thành và tăng trưởng của các khối u ác tính.
Trà xanh
Trà xanh là một trong những loại thức uống lành mạnh nhất, vừa giúp tinh thần tỉnh táo lại có công dụng phòng ngừa ung thư. Sử dụng trà xanh thường xuyên có thể ngăn ngừa được ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, trà xanh cũng có công dụng khá tốt trong việc cải thiện chức năng não bộ, ngăn ngừa bệnh tim mạch, đái tháo đường và công dụng tốt trong việc hỗ trợ giảm cân.
Trà thảo mộc
Các loại trà thảo dược có nghệ, quế, bạc hà, gừng, bồ công anh là loại thức uống bổ dưỡng có thể sử dụng để ngăn ngừa ung thư.
- Hoạt chất curcumin trong nghệ có tác dụng chống ôxy hoá, chống viêm và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Trong thành phần của gừng cũng chứa chất chống oxy hoá, kháng viêm, kháng khuẩn và có khả năng chống ung thư.
- Với bồ công anh thì chứa polysaccharides có tác dụng phòng chống ung thư vú hiệu quả.
- Lá bạc hà có chiết xuất có thể điều trị ung thư bằng cách vô hiệu hoá các mạch máu cung cấp oxy và dưỡng chất cho khối u.
- Còn quế thì có chiết xuất để bảo vệ cơ thể khỏi ung thư đại trực tràng.
Cách uống trà đúng để tốt cho sức khoẻ
- Uống trà mới pha hoặc trà ấm: Cách uống này có lợi cho sức khoẻ và hạn chế tác dụng phụ. Bạn hãy nhâm nhi những tách trà mới pha đang còn thơm ngon hoặc vẫn còn giữ hơi ấm. Bạn không nên uống trà đã để nguội hoàn toàn bởi nó có chứa nhiều vi khuẩn và đặc tính chống vi khuẩn cũng đã giảm đi rất nhiều.
- Không cho đường vào trà: Trà với đường trộn lẫn với nhau có thể làm mất chất dinh dưỡng, hương vị và tác dụng chính của trà. Nếu thích vị ngọt, bạn có thể sử dụng một chút mật ong thay vì đường.
- Nên uống trà vừa phải và uống đúng thời điểm: Mỗi ngày bạn chỉ nên tiêu thụ 1-2 tách trà để nó có thể phát huy tối đa công dụng đối với sức khoẻ của bạn. Thời điểm uống trà tốt nhất là sau bữa ăn và nên uống vào ban ngày, uống trà buổi tối có thể khiến bạn mất ngủ.
- Không nên uống trà quá đặc: Bạn nên lấy một lượng trà và nước có định lượng vừa phải để pha và thưởng thức chúng, pha trà quá đặc sẽ làm mất vị ngon tự nhiên của trà và uống trà quá đặc cũng không tốt cho sức khoẻ
- Không uống trà khi đang đói: Uống trà khi đói có thể gây ảnh hưởng tới dạ dày, nếu sức khoẻ không tốt có thể gây nên các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, bị 'say' trà.
- Không uống trà với thuốc: thuốc và các hợp chất có trong trà có thể phản ứng với nhau làm giảm hiệu quả của loại uống bạn đang sử dụng.
Bình luận