• Zalo

Loại quả quen thuộc là vị thuốc làm lành vết bỏng hiệu quả

Tư vấnThứ Sáu, 26/07/2024 13:33:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Xoan trà là thực vật phổ biến ở Việt Nam, đây là vị thuốc thường được dân gian sử dụng nấu thành cao để đắp lên các vết bỏng nhẹ.

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3 cho biết, cây xoan trà, tên khoa học Choerospondias axillaris, thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae), còn được gọi với nhiều tên khác như xoan như, xoan rừng, lát xoan và xuyên cốc. Đây là loài cây gỗ lớn cao từ 8-20m, lá rụng vào mùa khô. Đặc điểm nhận dạng của cây bao gồm lá kép lông chim lẻ, dài 20-30cm, rộng 5-10cm với lá chét mọc đối. Quả của cây có hình trái xoan dài 2-3cm, màu vàng, chủ yếu ở phần trên.

Cây xoan trà phân bố chủ yếu ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây thường mọc hoang dại ở nhiều vùng núi phía Bắc và cũng được trồng ở nhiều nơi.

Xoan trà chứa nhiều chất hóa học quan trọng như tanin, flavon, quinon, gôm nhựa và dầu béo. Cụ thể, vỏ thân cây chứa 13.7% tanin, trong khi vỏ rễ chứa đến 44,8% tanin.

Trong đông y, quả xoan đào vị chua, ngọt, tính bình, tác dụng tiêu viêm, giải độc, chỉ huyết chỉ thống, trợ tiêu hóa. Vỏ thân xoan đào vị chua, tính hàn, tác dụng kháng khuẩn với tụ cầu vàng và Bacillus subtilis. Vỏ rễ cũng giúp thanh nhiệt giải độc, chỉ huyết, chỉ thống. Hạt có tác dụng chỉ thổ.

Loại quả quen thuộc có tác dụng trị bỏng.

Loại quả quen thuộc có tác dụng trị bỏng.

"Vỏ cây, quả và lá xoan trà thường được dùng chữa bỏng, vết thương, dưới dạng nước sắc đặc hoặc chế thành cao sánh bôi", bác sĩ Vũ nói và cho biết, ta thường dùng xoan nhừ nấu cao (10kg vỏ nấu lấy 400ml cao đặc) dùng bôi lên vết bỏng.

Cao xoan trà khi được bôi lên bề mặt vết thương bỏng mới, được xử lý vô khuẩn, tạo ra màng thuốc bám chặt che phủ vết thương, ngăn trở sự thoát dịch máu và mất nước do bốc hơi từ vết bỏng. Bệnh nhân không cần thay băng nên giảm đau đớn.

Do màng thuốc và vết bỏng luôn khô ráo nên không có mùi hôi. Màng thuốc tuy khô nhưng tương đối mềm mại, không cản trở vận động nhẹ của người bệnh và không cản trở thầy thuốc khám bệnh. Cao xoan trà giúp rút ngắn thời gian điều trị, không gặp hiện tượng sẹo lồi ở bỏng trung bì.

Tuy nhiên, cao, bột thuốc giúp điều trị các vết thương bỏng đến muộn (sau 48-72 giờ) hoặc đã nhiễm khuẩn. Trong trường hợp đó, bôi cao thuốc hoặc rắc phun bột thuốc không tạo được màng thuốc.

Ngoài tác dụng trị bỏng, bác sĩ Vũ chia sẻ người dân dùng hạt xoan trà rang vàng và chế thành bột nhão, mỗi lần uống 2 thìa cà phê với mật ong, ngày uống 2-3 lần trong 2-4 ngày trị tiêu chảy. Nếu đem bột nhão đáp lên nhọt sẽ làm khô mủ và mau lành. Còn thịt quả chín phơi khô với liều 10g, sắc với 150ml nước thêm ít muối, uống lúc nóng chữa ho và cảm sốt.

Lưu ý:Tuy xoan đào trị bỏng, nhưng bất kỳ dược liệu nào trước khi sử dụng cần có sự tham vấn ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền. Trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú, người lớn tuổi, người có các bệnh lý gan, thận, tim mạch cần cẩn trọng trong việc sử dụng các dược liệu khi chưa có sự hướng dẫn từ bác sĩ. Khi gặp vết thương người dân nên tìm đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị chuẩn y khoa, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Bình luận
vtcnews.vn