Báo Dân Trí dẫn lời TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội), sỏi thận là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc là 2 trên 1.000 người.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sỏi thận, chủ yếu thường liên quan đến thói quen sinh hoạt hàng ngày như uống ít nước, thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ.
Ngoài ra, nhịn tiểu làm nước tiểu tích tụ đầy bàng quang, bể thận kéo theo tích tụ các chất khoáng. Khi thời gian tích tụ kéo dài sẽ dễ hình thành sỏi.
Người bị sỏi thận thường xuất hiện cơn đau xuất phát từ lưng, vùng mạn sườn dưới sau đó lan xuống vùng chậu, vùng bụng dưới. Đây là triệu chứng xảy ra do sỏi lớn di chuyển và cọ sát làm tổn thương đường tiết niệu. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thấy đi tiểu khó, đau buốt khi đi tiểu.
Tiểu ra máu là dấu hiệu của tổn thương đường tiết niệu, có thể do sỏi hoặc một số nguyên nhân khác. Người mắc sỏi thận cũng có biểu hiện tiểu dắt, tiểu són, bệnh nhân thường đi tiểu nhiều lần với lượng nước tiểu ít.
Để phòng sỏi thận người dân cần uống đủ nước mỗi ngày. Ở người trưởng thành cần khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày để có cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, người Việt nên bỏ thói quen ăn mặn bằng cách giảm bớt lượng muối và các gia vị trong bữa ăn hàng ngày.
Ngoài ra, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ. Khi có biểu hiện đau lưng, đau hố thắt lưng, đau dữ dội kèm đái ra máu… cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bị sỏi thận nên uống gì?
Sự quan trọng của việc uống đủ nước là không thể bàn cãi. Đối với những người bị sỏi thận, việc uống nước thích hợp có thể giúp loại bỏ sỏi tự nhiên và hiệu quả. Vậy bị sỏi thận uống gì cho hết? Dưới đây là một số gợi ý về loại nước bạn nên uống khi bị sỏi thận:
Bài viết website Bệnh viện Medlatec đưa ra một số loại nước quen thuộc giúp ngăn ngừa sỏi thận.
Nước tinh khiết
Nước tinh khiết là lựa chọn tốt nhất cho việc giảm sỏi thận. Nước tinh khiết không chỉ giúp làm mát cơ thể mà còn làm sạch niệu quản và hỗ trợ quá trình loại bỏ sỏi thận.
Đối với những người bị sỏi thận, cần uống ít nhất 8 - 10 ly nước, tương đương 2 - 3 lít nước lọc mỗi ngày để cung cấp nước cho cơ thể và giúp loại bỏ sỏi thận một cách tự nhiên.
Nước chanh
Nước chanh là lựa chọn phổ biến để giảm sỏi thận. Chanh chứa axit citric, giúp hòa tan các tinh thể muối và khoáng chất trong thận. Nhờ đó uống nước chanh đều đặn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm kích thước sỏi trong thận, việc tống sỏi ra ngoài cũng dễ dàng hơn. Uống nước chanh thường xuyên có thể giảm nguy cơ tái phát sỏi thận.
Nước dứa
Nước dứa không chỉ ngon miệng mà còn tác dụng hỗ trợ điều trị sỏi thận. Dứa chứa enzyme bromelain và lượng acid citric dồi dào, tác dụng hạn chế quá trình tích tụ của các chất độc hại trong thận.
Đồng thời, nước dứa cũng làm tăng lượng nước tiểu và kháng vi khuẩn, kích thích hệ tiêu hoá và tăng cường hệ miễn dịch, nhờ đó có thể ngăn chặn sự hình thành sỏi mới.
Nước ép lựu đỏ
Lựu đỏ là loại trái cây giàu, vitamin, khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Đồng thời, chất chống oxy hóa và axit ellagic trong lựu đỏ có thể giúp ngăn chặn quá trình kết tủa chất trong thận.
Hơn nữa, nước lựu đỏ còn có tác dụng làm sạch niệu quản và giảm nguy cơ tái phát sỏi thận. Tuy nhiên, bạn cần phải nhớ không nên uống quá nhiều nước ép lựu sẽ gây ra những tác dụng ngược đến sức khoẻ như hạ huyết áp, rối loạn chuyển hoá.
Nước râu ngô
Râu ngô là loại thuốc Đông y có tính lợi tiểu. Nước râu ngô tác dụng hỗ trợ đi tiểu dễ dàng, cải thiện tình trạng tiểu buốt, tiểu liên tục. Khi đó, các chất cặn bã cũng sẽ theo nước tiểu ra ngoài, ngăn chặn khả năng hình thành sỏi. Bạn có thể nấu nước râu ngô và uống nhiều lần trong ngày để nhanh chóng loại bỏ sỏi thận.
Nước dừa
Nước dừa là thức uống giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, ít ai biết nước dừa còn có tác dụng tích cực đối với bệnh nhân bị sỏi thận.
Những công dụng tuyệt vời của nước dừa là: Giải nhiệt, thanh lọc cơ thể; lợi tiểu, cải thiện tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đêm; ngăn chặn được tình trạng tích tụ các chất độc hại dẫn đến hình thành sỏi thận.
Thành phần chất khoáng và vitamin trong nước dừa giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần uống nước dừa với lượng vừa phải, mỗi ngày chỉ nên uống 1 -2 quả. Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, người có huyết áp thấp hoặc thừa cân, béo phì thì cần thận trọng khi uống nước dừa.
Bình luận