• Zalo

Lộ mặt khách hàng châu Phi đầu tiên muốn mua chiến đấu cơ F-35

Quân sựThứ Tư, 26/07/2023 09:28:53 +07:00Google News
(VTC News) -

Đối mặt với lực lượng không quân hùng hậu của Algeria, quốc gia láng giềng Ma-rốc đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng không quân của mình bằng các máy bay F-35.

Theo Military Watch, nhiều nguồn tin cho biết Không quân Ma-rốc quan tâm đến việc mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 từ Mỹ, vì phi đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 của nước này ngày càng bị đánh giá kém hơn rất nhiều, trước lực lượng không quân ngày càng được đầu tư mở rộng của nước láng giềng Algeria. 

Các khoản đầu tư của Algeria vào máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không trên mặt đất đã được thực hiện kể từ năm 2011, chủ yếu với mục đích ngăn chặn một cuộc tấn công của phương Tây như đối với Libya. 

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Ma-rốc và Algeria thường rất căng thẳng, đặc biệt là về vấn đề Ma-rốc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Tây Sahara. Ngoài ra, lực lượng vũ trang Ma-rốc có liên kết chặt chẽ với NATO, Ma-rốc cùng với Jordan là hai quốc gia Ả Rập duy nhất đã cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. 

Lý do mua F-35

Hiện tại, Lực lượng Không quân Ma-rốc bị đánh giá là tụt hậu trước sức mạnh của không quân Algeria, nguyên nhân là do các hệ thống phòng không trên mặt đất và chất lượng phi đội máy bay chiến đấu của nước này rất hạn chế, trong khi Algeria đang sở hữu những phương tiện phòng không và không quân hiện đại.

Các đơn vị không quân của Algeria chủ yếu biên chế các loại máy bay hạng nặng, nổi bật là những chiếc máy bay “thế hệ 4+” Su-30MKA và MiG-29M/M2, các máy bay hạng nặng còn được hỗ trợ bởi các máy bay hạng trung MiG.

Tiêm kích hạng nặng Su-30MKA của Không quân Algeria.

Tiêm kích hạng nặng Su-30MKA của Không quân Algeria.

Trong khi đó, phi đội không quân khiêm tốn của Ma-rốc chủ yếu là các máy bay hạng nhẹ, kém tiên tiến hơn. Những phương tiện giá trị nhất trong Không quân Ma-rốc là 23 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16C/D, tuy nhiên radar quét cơ học của máy bay đã bị đánh giá là đã lỗi thời. Ma-rốc còn biên chế 22 chiếc F-5E/F và 26 chiếc Mirage F1, cả hai đều là những dòng máy bay hạng nhẹ thế hệ thứ ba đã bị coi là lỗi thời trong nhiều thập kỷ. 

Ma-rốc cũng có kế hoạch mua lại những máy bay chiến đấu Mirage 2000 đã qua sử dụng từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), những chiếc này máy bay này có kích thước và hiệu suất tương đương với những chiếc F-16 nhưng vẫn không sánh được với những chiếc Su-30MKA hoặc MiG-29M của Algeria. 

Ngoài ra, khả năng tác chiến điện tử, khả năng tiếp cận vũ khí đối kháng và khả năng tàng hình của chiến đấu cơ Ma-rốc rất hạn chế, những thiếu sót này sẽ khiến các máy bay chiến đấu của Ma-rốc dễ bị tổn thương trước lực lượng phòng không trên bộ của Algeria. Đồng thời việc Algeria muốn mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 từ Nga càng làm Ma-rốc lo lắng. 

Máy bay chiến đấu Mirage F1 của Không quân Ma-rốc

Máy bay chiến đấu Mirage F1 của Không quân Ma-rốc

Khả năng mua F-35

Ngày càng có nhiều chuyên gia ở Ma-rốc kêu gọi nước này tìm cách tận dụng mối quan hệ với Israel để tiếp cận máy bay F-35, loại máy bay mới chỉ được bán cho 4 quốc gia ngoài phương Tây bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Israel. 

Vào tháng 11/2021, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Ganz và người đồng cấp Ma-rốc Abdellatif Loudiyi chứng kiến ​​hai thỏa thuận quốc phòng và Vua Ma-rốc Mohammed VI được cho là đã bày tỏ sự quan tâm trong việc mua F-35 với sự giúp đỡ của Israel. 

Các cuộc họp này diễn ra vào thời điểm UAE đạt được tiến bộ trong việc đề nghị mua F-35 một phần thông qua việc mở rộng quan hệ với Israel. 

Gần đây hơn là vào ngày 17/7, Israel công nhận yêu sách chủ quyền của Ma-rốc đối với Tây Sahara, điều này đã củng cố thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia, trong khi ảnh hưởng của Israel ở Mỹ là một yếu tố quan trọng tác động đến chính sách xuất khẩu vũ khí sang thế giới Ả Rập.  

Israel và Algeria có lịch sử xung đột lâu dài. Những năm 1980, Israel từng lên kế hoạch tiến hành các cuộc không kích vào quốc gia Bắc Phi này, nhưng kế hoạch đã phải dừng lại do Algeria đã triển khai các máy bay đánh chặn hàng đầu thế giới khi đó là MiG-25.

Ma-rốc và Jordan đã có lịch sử hợp tác chiến lược lâu dài với Israel, trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 Vua Ma-rốc Hassan II đã ra lệnh chuyển thông tin tình báo nhạy cảm, tạo điều kiện giúp Israel đánh bại Ai Cập và Syria. 

Cựu giám đốc tình báo quân đội Israel, Thiếu tướng Shlomo Gazit tiết lộ vào năm 2016 rằng nhà vua Ma-rốc đã chuyển cho cơ quan tình báo Israel các bản ghi âm, về những cuộc họp bí mật giữa các nhà lãnh đạo Ả Rập thảo luận kế hoạch chiến tranh của họ, điều này đã giúp cho Israel có lợi thế trong cuộc chiến này.

F-35 của Không quân Israel.

F-35 của Không quân Israel.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Mặc dù khả năng bán F-35 cho Ma-rốc vẫn chưa chắc chắn, nhưng loại máy bay chiến đấu này sẽ được xuất khẩu rộng rãi hơn sang các quốc gia thuộc thế giới thứ ba vào những năm 2030, khi các đơn hàng của các đồng minh NATO và các đối tác Châu Á của Mỹ được đáp ứng. 

Việc bán F-35 cho Ma-rốc có thể mang lại nhiều lợi ích cho phương Tây, giúp tiếp cận nhiều hơn với thông tin tình báo ở biên giới của Algeria nhờ khả năng kết nối chung của tất cả các máy bay F-35 trên toàn cầu, đồng thời tạo thêm doanh thu cho chương trình máy bay này và gây thêm áp lực lên các lực lượng phòng thủ của Algeria. 

Đặc biệt, các máy bay chiến đấu của Mỹ bán cho các nước thuộc thế giới thứ ba không chỉ bị hạn chế các khả năng chiến đấu mà còn bị kiểm soát rất chặt chẽ về cách thức hoạt động, như việc quy định những căn cứ mà F-35 có thể triển khai.

Tuy nhiên, do chi phí hoạt động cao và còn nhiều lỗi kỹ thuật, nên Ma-rốc sẽ mua F-35 với số lượng nhỏ và điều này sẽ không làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự ở Tây Bắc Châu Phi, đặc biệt là khi so sánh với các loại khí tài có khả năng chống lại máy bay tàng hình mà Algeria đã triển khai. 

Lê Hưng(Nguồn: Military Watch)
Bình luận
vtcnews.vn