Thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, nhiều đối tượng xấu lợi dụng điều này, cố găng tuồn nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào thị trường. Với nỗ lực ngăn chặn, đồng thời bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã siết chặt công tác kiểm tra, quản lý, từ đó phát hiện hàng loạt vụ việc vi phạm.
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn đã phối hợp với đơn vị liên quan, kiểm tra, phát hiện hơn 3 tấn móng giò lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, ngày 19/12, qua quá trình triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và công tác phối hợp, QLTT Lạng Sơn phát hiện phương tiện xe ô tô tải biển kiểm soát 29K- 094.32 do ông L.V.N là người điều khiển có cất giấu hàng hóa vi phạm.
Qua quá trình khám phương tiện vận tải, đoàn kiểm tra phát hiện 3.000 kg móng giò lợn đông lạnh được đựng trong 150 bao tải dứa, trên bao bì hàng hoá không có nhãn mác, chữ viết hay thông tin thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y đối với hàng hóa, không có tài liệu kèm theo hoặc bất cứ thông tin nào khác.
Tại thời điểm khám, ông L.V.N không xuất trình được tài liệu kèm theo hàng hóa và hóa đơn, chứng từ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa nêu trên.
Lực lượng chức năng sau đó đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, lực lượng QLTT tỉnh Hòa Bình đã tiến hành kiểm tra, Ngăn chặn gần một tấn sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.
Cụ thể, ngày 6/12, lực lượng QLTT Hòa Bình phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra xe ô tô BKS 29F-050.11 trên xe có 7 thùng xốp chứa trên 750kg sản phẩm động vật là nội tạng các loại đang rò rỉ nước, biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.
Cơ quan chức năng đã xác minh làm rõ, lập biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh. Phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng, đồng thời buộc chủ hàng tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên theo quy định.
Thời điểm đầu tháng 11, cơ quan chức năng thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai cũng bắt quả tang tại điểm kinh doanh của ông V.A.Đ ở tổ 29, khu phố 6, phường Long Bình, Thành phố Biên Hòa đang có hành vi kinh doanh thịt heo không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn Kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh phụ phế phẩm heo các loại gồm: sản phẩm phụ phế phẩm heo, có tổng trọng lượng 1.250kg và 06 con heo đã chết có tổng trọng lượng 239kg, tổng cộng 1.489kg.
Làm việc với Đoàn Kiểm tra, ông V.A.Đ khai nhận toàn bộ số thịt heo trên do các hộ chăn nuôi đem đến bán và cơ sở của ông mua sau đó chế biến, phân loại bán ra thị trường. Hàng hóa mua không rõ nguồn gốc xuất xứ, ông V.A.Đ cũng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh tại địa điểm kinh doanh tổ 29, khu phố 6, phường Long Bình, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Số lượng thịt heo trên để tràn lan trên mặt đất mất vệ sinh, bốc mùi hôi và có dấu hiệu có dấu hiệu tím tái. Đoàn đã đề nghị ông V.A.Đ liên hệ với Công ty xử lý môi trường có thẩm quyền để tiêu huỷ tiến hành tiêu huỷ theo quy định (Đoàn đã giám sát việc thực hiện tiêu hủy). Đồng thời, tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo đúng quy định.
Cùng ngày, Cục QLTT TP.HCM đã phát hiện, kiểm tra và tạm giữ hơn 1.015 kg khô bò 4 không: "không có nhãn hiệu; không ghi xuất xứ; không có ngày sản xuất và hạn sử dụng; không có hóa đơn, chứng từ theo quy định được giới thiệu, chào bán trên mạng xã hội Facebook".
Số hàng hóa này được phát hiện Công ty TNHH T. (địa chỉ tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM), tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH T đang chứa trữ và kinh doanh 203 thùng, mỗi thùng 5kg, tổng cộng là 1.015 kg khô bò không có nhãn hiệu; không ghi xuất xứ; không có ngày sản xuất và hạn sử dụng; không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, chưa qua sử dụng, tổng trị giá 65.975.000 đồng.
"Những tháng cuối năm, thị trường hàng hóa có nhiều biến động do mức tiêu dùng của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... diễn biến phức tạp. Do đó, lực lượng quản lý thị trường luôn đề cao cảnh giác, hoạt động hết năng lực để hòng ngăn chặn những đối tượng gian thương tìm cách đưa hàng lậu, hàng kém chất lượng vào thị trường", đại diện Cục QLTT cho biết.
Bình luận