"Các đồng minh không làm điều này với nhau", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói hôm 17/9, cho biết quyết định triệu hồi các đại sứ được đưa ra bởi Tổng thống Emmanuel Macron do "hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác" sẽ "ảnh hưởng đến liên minh, quan hệ đối tác của chúng ta và tầm quan trọng của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với châu Âu”.
Đại sứ quán Pháp tại Washington cũng đã hủy một buổi dạ tiệc vào tối 16/9, kỷ niệm mối quan hệ đồng minh lâu đời Mỹ - Pháp.
Rất hiếm khi đại sứ được triệu hồi từ các quốc gia đồng minh thân thiết. Đây là tín hiệu cho thấy sự tức giận của Chính phủ Pháp. Phản ứng của Pháp được đưa ra sau khi Australia ký kết thỏa thuận với Mỹ và Anh để đóng tàu ngầm hạt nhân và xé bỏ hợp đồng tàu ngầm trị giá 90 tỷ USD hiện có với Pháp. Điều đó khiến các quan chức cấp cao của Pháp cáo buộc Mỹ "đâm sau lưng".
Nguồn tin Axios cho biết, Đại sứ Pháp tại Vương quốc Anh không bị triệu hồi.
Ngoại trưởng Tony Blinken đã cố gắng xoa dịu căng thẳng bằng cách ca ngợi Pháp là một đồng minh quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông cho rằng, thỏa thuận mới giúp Australia đóng tàu ngầm hạt nhân như một phần của hiệp ước an ninh ba bên với Anh và Mỹ vừa ký kết, "bước đi lịch sử" giúp liên minh Mỹ đối mặt với những thách thức mới.
Quan hệ đối tác ba bên mới, được gọi là AUKUS, là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Tổng thống Joe Biden nhằm phát triển quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để cạnh tranh với Trung Quốc trên các khía cạnh quân sự, kinh tế và ngoại giao. Ông cũng đã mời các nhà lãnh đạo của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đến Nhà Trắng vào tuần tới để dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của các nước được gọi là "Bộ tứ" - QUAD.
Thỏa thuận AUKUS được đưa ra chỉ một ngày trước khi EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo Axios, động thái này của Mỹ - Anh - Australia khiến các quốc gia châu Âu hết sức bất ngờ.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận