Trong tuyên bố chung đưa ra cách đây ít giờ, Ngoại trưởng Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly của Pháp khẳng định việc Australia hủy bỏ hợp đồng trị giá 90 tỷ USD với tập đoàn Naval Group của Pháp trái với "nghị định thư và tinh thần hợp tác giữa" Canberra và Paris.
Australia trước đó đạt được thỏa thuận với Naval Group để đóng mới một hạm đội tàu ngầm thay thế các tàu ngầm đã hoạt động hơn 2 thập kỷ của nước này.
Đây là một trong những hợp đồng quốc phòng đắt đỏ nhất thế giới, nhưng bị bủa vây bởi một loạt các vấn đề về thời gian và chi phí.
Hôm 16/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison xác nhận nước này sẽ không tiếp tục thỏa thuận này với Pháp. Thay vào đó, Australia sẽ đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh.
"Quyết định mà chúng tôi đưa ra là không tiếp tục hợp đồng tàu ngầm lớp Attack và việc ngừng lộ trình này không phải là việc thay đổi ý định mà là thay đổi nhu cầu", ông Morrison cho hay.
Naval Group của Pháp nói họ “vô cùng thất vọng” trước quyết định này.
Ngoài vấn đề tàu ngầm, tuyên bố mới của Ngoại trưởng Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cũng nhấn mạnh việc Mỹ loại trừ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi cấu trúc an ninh với Australia vào thời điểm Paris đang đối mặt với những thách thức chưa từng có ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là hết sức đáng tiếc.
Cựu đại sứ Pháp tại Mỹ Gerard Araud chỉ trích liên minh AUKUS mới được thành lập, nói thêm rằng đất nước ông bị "đâm sau lưng".
Thủ tướng Morrison khẳng định thỏa thuận mới được công bố mang tính bước ngoặt với chương trình hạt nhân của Australia. Nhưng nhà ngoại giao Pháp tin rằng AUKUS không liên quan tới gì tới năng lực hạt nhân.
"Pháp vừa được nhắc nhở về một sự thật cay đắng về việc Mỹ và Anh đã đâm sau lưng chúng tôi ở Australia", ông Araud viết trên Twitter.
Benjamin Haddad, Giám đốc Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết "mọi người ở Pháp đều bị sốc".
Ông Haddad tin rằng diễn biến mới đây sẽ kéo quan hệ giữa Pháp và Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 khi Paris công khai chỉ trích Washington triển khai chiến dịch quân sự ở Iraq.
Theo SMH, Tổng thống Macron đã rất kỳ vọng vào hợp đồng ký kết với Australia. Năm 2018, ông đứng trên một tàu chiến tại căn cứ quân sự Garden Island ở Sydney, cam kết một kỷ nguyên mới với sự tham gia của Pháp ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Mới đây vào tháng 6, ông đứng cạnh ông Morrison trong sân Điện Elysee, tuyên bố "coi mối quan hệ đối tác giữa Pháp với Australia là trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Nhưng Tổng thống Pháp không hề hay biết 4 ngày trước đó, nhà lãnh đạo Australia sử dụng cuộc gặp với Tổng thống Biden và Thủ tướng Johnson tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall để thảo luận về AUKUS.
Trong cuộc trao đổi tại Điện Elysee, Thủ tướng Australia cho biết Australia vẫn đang cân nhắc các lựa chọn của mình. Nhưng ông không hề đề cập tới kế hoạch đang được phát triển trong vòng bí mật với Mỹ và Anh.
"Chúng tôi đã liều lĩnh và nhẫn tâm với thứ quyền lực rất nhạy cảm đang tiến gần hơn đến chúng tôi", một quan chức Australia cho hay.
Bình luận