• Zalo

Lệnh ngừng bắn tạm thời giúp chấm dứt xung đột Israel - Hamas?

Tư liệuThứ Sáu, 24/11/2023 18:11:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn trong 4 ngày để đổi lấy sự tự do của khoảng 50 con tin từ dải Gaza, mở ra cơ hội chấm dứt xung đột.

Sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát hôm 7/10, dư luận và cộng đồng quốc tế liên tục đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn, tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo, cứu trợ tại dải Gaza. Sau thời gian giao tranh quyết liệt, Hamas và Israel cuối cùng đã đồng ý một thỏa thuận trung gian nhằm tạm dừng tấn công quân sự vào Gaza và dọn đường cho việc trao đổi tù nhân. 

Bước khởi đầu

Theo thống kê của Israel, Hamas được cho là đang giữ hơn 200 con tin, những người này bị bắt khi các thành viên Hamas ập vào Israel hôm 7/10, khiến 1.200 người khác thiệt mạng.

Xung đột Israel - Hamas bùng phát hôm 7/10. (Ảnh: AP)

Xung đột Israel - Hamas bùng phát hôm 7/10. (Ảnh: AP)

Văn phòng Thủ tướng Israel công bố thoả thuận giữa Israel và Hamas sau nhiều giờ thảo luận kín. Theo nội dung thoả thuận, 50 phụ nữ và trẻ em sẽ được thả trong vòng 4 ngày, trong thời gian đó sẽ tạm dừng giao tranh.  

Đáng chú ý, lệnh ngừng bắn có thể được kéo dài nếu nhiều con tin được thả hơn. Theo đề xuất của Israel, cứ 10 con tin được thả sẽ thêm một ngày ngừng bắn.

Cũng theo thoả thuận, Israel sẽ trả tự do cho khoảng 150 phụ nữ và trẻ em Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel. Thỏa thuận ngừng bắn cũng sẽ tạo điều kiện để hàng trăm xe tải viện trợ nhân đạo, y tế và nhiên liệu vào Gaza.

Hamas cho biết, Israel đã cam kết không tấn công hoặc bắt giữ bất cứ ai ở tất cả các khu vực của Gaza trong thời gian ngừng bắn.

Thoả thuận ngừng bắn tạm thời do giới chức từ Qatar làm trung gian. Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar cho biết lệnh ngừng bắn ở dải Gaza và việc trao trả con tin sẽ bắt đầu từ ngày 24/11. Vị này cho hay, lệnh ngừng bắn sẽ được áp dụng ở cả phía Bắc và phía Nam dải Gaza. Đợt trao trả con tin đầu tiên sẽ có 13 người được thả. 

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng nhấn mạnh vai trò Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc đạt thoả thuận ngừng bắn. Ông cho rằng, Tổng thống Biden đã thúc đẩy để thoả thuận được hoàn thành, Hamas phải thả nhiều con tin hơn, trong khi Israel chấp nhận ít nhượng bộ hơn.

Việc Israel và Hamas thống nhất thoả thuận ngừng bắn cũng là dấu hiệu tích cực. Madhav Joshi, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Kroc của Đại học Notre Dame, cho biết những biện pháp nhỏ về lòng tin và thiện chí của cả hai bên cũng mở ra cánh cửa để từ ngừng bắn phát triển thành hòa bình lâu dài.

Ông Madhav Joshi nói: “Với một thỏa thuận được đàm phán giữa các đối thủ… nơi các cải cách được theo đuổi trên nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau, hòa bình thực sự có thể sẽ đến".

Xung đột chưa hồi kết

Sau khi Israel và Hamas đạt được thoả thuận ngừng bắn trong vòng 4 ngày để trao trả con tin, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết giao tranh sẽ tạm dừng, nhưng nhấn mạnh việc tạm dừng không có nghĩa là chiến tranh sẽ kết thúc.

Ông Netanyahu cho biết, cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi Hamas bị tiêu diệt và tất cả các con tin được giải thoát. "Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh và sẽ tiếp tục chiến tranh cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu. Tiêu diệt Hamas, trao trả tất cả con tin và đảm bảo rằng không thực thể nào ở Gaza có thể đe dọa Israel", ông Netanyahu nói.

Xung đột Israel - Hamas tiếp diễn, chưa có hồi kết. (Ảnh: Getty)

Xung đột Israel - Hamas tiếp diễn, chưa có hồi kết. (Ảnh: Getty)

Không chỉ lãnh đạo Israel, giới chức nước này cũng thể hiện quyết tâm trong việc loại bỏ Hamas. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói cuộc tấn công của Israel sẽ tiếp tục trong ít nhất một hoặc hai tháng, cho đến khi không còn mối đe dọa quân sự nào từ dải Gaza. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Israel Nir Barkat cũng tuyên bố chỉ có sự đầu hàng hoàn toàn của Hamas mới có thể ngăn chặn chiến tranh tái diễn sau thỏa thuận ngừng bắn. Ông nói nếu Hamas đầu hàng "mọi chuyện sẽ kết thúc sau một phút".  

Không phải bây giờ, ngay từ đầu Israel đã đặt mục tiêu xoá sổ Hamas ở dải Gaza để đáp trả cho cuộc tấn công của lực lượng này hôm 7/10. Tuy nhiên, quân đội Israel nhiều lần chần chừ, do dự trong việc phát động tấn công tổng lực vào dải Gaza trước áp lực quốc tế.

Trong đó, Mỹ - đồng minh Israel, đã cố vấn, yêu cầu Israel tìm cách giải thoát con tin đang bị Hamas giam giữ trước khi tiến hành hoạt động quân sự. Có thể nói, con tin là yếu tố quan trọng, níu chân Israel hành động mạnh mẽ hơn ở dải Gaza thời gian qua.

Vậy sau khi bước đầu đạt được mục tiêu, số con tin được trao trả ngày một gia tăng, điều gì dẽ tiếp diễn? Theo giới phân tích, có lẽ Hamas sẽ nhân cơ hội ngừng giao tranh này để củng cố lực lượng, đối phó với Israel thời gian tới. Và Hamas sẽ không dễ dàng thả hết số con tin còn lại, bởi lực lượng này thừa hiểu đó là con bài để họ mặc cả với bên kia.

Chưa hết, giới phân tích cũng chỉ ra rằng, việc Israel đánh bại Hamas hoàn toàn là điều không dễ bởi lực lượng này ẩn náu, hoạt động tại nhiều địa điểm, nhiều quốc gia trong khu vực. Và Hamas còn có những tổ chức thân cận như Hezbollah, lãnh đạo tổ chức này từng cảnh báo sẽ tham chiến nếu Hamas bị tiêu diệt.

Bên cạnh đó, bài toán về tương lai dải Gaza hậu xung đột không hề dễ giải, Israel hay là tổ chức nào sẽ kiểm soát dải Gaza sau khi Hamas bị loại bỏ?

Đề cập thoả thuận Israel - Hamas vừa đạt được, chuyên gia Madhav Joshi từ Đại học Notre Dame cho rằng thoả thuận này chỉ “tập trung ở phạm vu hẹp”, giới hạn ở “sự tạm dừng giao tranh và trao đổi tù nhân”. Ông nhấn mạnh điều đó “chắc chắn sẽ thất bại”.

“Thỏa thuận giữa Hamas và Israel không bao gồm các cuộc đàm phán tiếp theo cũng như các thành phần giám sát, do đó, thoả thuận này không có khả năng ngăn chặn bạo lực ngoài thời hạn 4 ngày được đề xuất. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu thỏa thuận thất bại hoàn toàn", ông Madhav Joshi cho hay.

Theo vị này, các lĩnh vực chính sách còn mơ hồ hoặc không được đề cập đến trong các hiệp định hòa bình thì sẽ luôn cần có các vòng đàm phán bổ sung để tăng cường thỏa thuận đó. “Hoặc là điều đó hoặc bạo lực sẽ tiếp tục", ông Madhav Joshi cho biết thêm.

“Thỏa thuận ngừng bắn chắc chắn sẽ gặp trục trặc khi một hoặc cả hai bên vẫn quyết tâm đánh bại bên kia về mặt quân sự. Có rất nhiều ví dụ về các lệnh ngừng bắn thất bại như vậy từ Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan,...", chuyên gia Madhav Joshi nêu.

Kông Anh(Nguồn: Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn