Đây là nội dung trong công điện khẩn yêu cầu tập trung ứng phó với bão số 5 (Noul) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nội dung công điện nêu rõ, bão số 5 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, dự kiến thời gian đổ bộ trùng với thời điểm triều cường, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng tại miền Trung (nơi có địa hình có độ dốc lớn).
Diễn biến của bão còn phức tạp cần đề phòng bão đổi hướng, ảnh hưởng đến ven biển và đất liền sớm hơn dự báo, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 19h ngày 16/9, tâm bão số 5 ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 19h ngày 17/9, tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.
Khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 18/9, tâm bão ở ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19h ngày 18/9, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3, vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Đà Nẵng cấp 4.
Từ chiều 17/9 đến đêm 18/9, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt.
Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt.
Ngoài ra, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ đêm 16-19/9 trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3,5m. Biển động mạnh.
Bình luận